Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

Cách làm tốt bài thi ĐH môn Toán, Lý, Hóa

VnTim™ ^-^
Để làm bài đạt hiệu quả cao nhất, thí sinh cần có tinh thần sảng khoái, minh mẫn. Như thế, những ngày gần thi chỉ nên học vừa phải, đọc kỹ những điểm hay quên. Không nên dùng chất kích thích như trà, cà phê để thức khuya học bài. Không nên thức quá 23h30". Tập dậy sớm vào buổi sáng để đến ngày thi có thể tự dậy. Một sự thức dậy miễn cưỡng sẽ làm thân thể và tinh thần mệt mỏi, không kịp chuẩn bị tâm lý để thi.
Cấu trúc một đề thi bao giờ cũng có những câu dễ, khó xen kẽ nhau. Khi nhận được đề thi, trước tiên phải đọc thật kỹ. Sau đó, phân loại những câu nào đối với mình là quen thuộc, thấy được phương pháp giải rồi thì làm trước. Trong trường hợp thí sinh cảm thấy câu đó quen nhưng chỉ làm được một phần, sau không làm nổi nữa thì nên dừng lại. Hãy chuyển sang một câu khác.
Nhiều bạn sẽ băn khoăn là có nên chừa khoảng trống, lát nữa sẽ quay lại làm sau không. Không nên chừa trống, hãy chấm câu và xuống hàng viết đề mục khác để thực hiện. Việc tạo khoảng trống trên bài thi sẽ gây phản cảm - ức chế tâm lý đối với người chấm. Nếu câu nào thí sinh không giải được hết nhưng có ý tưởng thì cũng nên viết tất cả vào.
Nếu có vẽ đồ thị, hình bằng bút chì thì phải nhớ tô lại bằng bút mực, nếu không hình minh họa của bạn có thể bị xem như không có. Không đóng khung, gạch dưới hay bất cứ ký hiệu nào khác lạ trên bài thi. Để khẳng định kết quả, sau mỗi câu nên kết luận bằng cách xuống hàng thụt đầu dòng.
Trong môn toán, bao giờ cũng có một bài hình không gian, nên vẽ hình trước và thể hiện hình càng rõ càng tốt. Cố gắng căn trang giấy để đặt hình ở vị trí dễ nhìn, đồng thời có thể đối xứng với lời giải. Khi sử dụng giấy nháp cũng cần nháp một cách rõ ràng, mạch lạc theo trình tự để kiểm tra lại dễ dàng.
Bà Vũ Thị Phát Minh, giảng viên chính Khoa Vật lý, ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM:
Đề thi đại học môn Vật lý có đặc thù là vừa có phần lý thuyết vừa có phần bài toán. Thường phần lý thuyết chiếm từ 4 đến 5 điểm, bài toán chiếm từ 5 đến 6 điểm. Mọi năm, phần lý thuyết sẽ nằm trong chương trình lớp 12, phần bài toán, ngoài kiến thức lớp 12 còn sử dụng kiến thức của lớp 10 và 11.
Về lý thuyết, cần chú ý cách làm bài theo lối suy luận, tổng hợp. Các năm trước, học sinh học yếu nếu học thuộc lòng lý thuyết có thể kiếm được 3 đến 4 điểm nhưng năm nay thì khác, tôi cho rằng đề thi sẽ không bắt học thuộc lòng mà đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề tổng hợp.
Về bài toán, lưu ý trong quá trình tính toán phải nhớ đổi đơn vị. Đây là vấn đề học sinh thường mắc phải. Phần trình bày cần ngắn gọn nhưng phải đầy đủ các bước. Vì người chấm có chấm theo từng bước nên dù thí sinhkhông đi đến kết quả cuối cùng nhưng đã giải quyết phần lớn bài toán thì cũng được một phần điểm của bài toán đó. Khi thí sinh được 6,75 điểm sẽ được làm tròn thành 7 điểm, nên hãy cố gắng lưu ý các chi tiết như vậy.
Khi bắt đầu làm bài, bài toán nào thấy rằng có khả năng làm được thì làm trước và làm đến nơi đến chốn. Tránh tình trạng câu nào cũng làm nhưng không đi đến đâu, cuối cùng cũng không được điểm.
Theo tôi, học sinh học lực khá, nắm vững lý thuyết, khả năng tính toán tốt sẽ làm được 70% - 80%, thông thường 20% còn lại dành cho những học sinh giỏi, đòi hỏi khả năng suy luận, sáng tạo.


Giải các bài toán hóa học: Khi giải toán nên tóm tắt đầu bài dưới dạng sơ đồ, ghi đầy đủ các dữ kiện. Có thể viết ra giấy nháp rồi dùng bút dạ tô đậm các dữ kiện quan trọng. Điều này rất cần thiết vì nó giúp cho thí sinh bao quát toàn bộ nội dung bài toán, dễ tìm ra được hướng đi và các bước thực hiện kế tiếp. Sau khi tính toán xong nên kiểm tra lại.
Một số bài toán các câu hỏi độc lập với nhau, không làm được câu trước, hãy thử làm câu sau, không nên thấy câu đầu khó đã vội bỏ. Cách trình bày bài thi: Nên trình bày ngắn gọn, rõ ràng, dứt khoát, không diễn đạt dông dài. Các phương trình, hệ phương trình nói chung không cần phải giải chi tiết vào giấy thi mà chỉ cần nêu kết quả như: “Giải hệ phương trình này ta được ...”.
Hạn chế tối đa việc trình bày lặp đi lặp lại, dang dở hết câu này sang câu khác dẫn đến tình trạng lộn xộn làm người chấm bực mình (qua cách trình bày, người chấm rất dễ đánh giá trình độ của thí sinh). Giữa các câu, các ý nhỏ của câu nên trình bày sao cho người chấm phân biệt được rõ ràng. Không nên viết liền các câu như một bài văn mà nên xuống dòng, tách riêng từng ý để giám khảo dễ chấm, không bị bỏ sót. Tận dụng tối đa các thuật ngữ thông thường vẫn dùng trong sách giáo khoa. Các bài toán có nhiều phương trình phản ứng nên đánh số để tiện sử dụng. Với phản ứng các chất hữu cơ có liên quan đến cấu tạo thì phải viết dưới dạng công thức cấu tạo thu gọn
VnTim™ Theo Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét