Bookmark, không chỉ làm tròn nhiệm vụ của một “thanh công cụ” mà nó đã là thứ mang nhiều xúc cảm... |
Từ lâu, bookmark đã không chỉ là một miếng chắn giấy để đánh dấu trang giữa hai lần đọc theo đúng tiện ích của nó. Mà còn làm chức năng gởi gắm tình cảm của người đọc trước những cuốn sách đọc dở; ghi lại cảm xúc của một tình huống, không gian nơi văn hóa đọc được diễn ra; hay đơn giản là xúc cảm bâng quơ, ý nghĩ về một ai đó trong khi đang đọc cuốn sách này...
Theo Wikipedia, bookmark xuất hiện từ thời trung đại, ở châu Âu, cụ thể là cuối thế kỷ 16, nữ hoàng Elizabeth I chính là người dùng đến bookmark đầu tiên. Mãi đến nửa cuối thế kỷ 18, với sự xuất hiện của nhiều thư viện và salon học thuật tại các trung tâm tri thức lớn châu Âu thì đi liền với những đầu sách kinh viện, hàn lâm, người ta phải sản xuất ra cách trang hoàng cho chúng bằng bookmark xinh đẹp bằng da, mạ vàng bạc, hay dải lụa mềm như dây buộc tóc của những tiểu thư đài các. Bookmark trở thành món quà đầy trân trọng mà giới trí thức quý tộc thời bấy giờ tặng nhau cùng với những pho sách kinh điển.
Từ khi văn minh sách giấy ra đời, bookmark khiêm tốn tham gia vào tiến trình văn hóa đọc của con người. Đôi khi, với người này, bookmark là quan trọng gắn với tình yêu chữ nghĩa, sách vở. Nhưng với người kia, đơn giản nó chỉ là một tiện ích không hơn không kém. Và đôi khi, với những kẻ biếng lười khác thì bookmark có thể được thay thế bằng những nếp gấp ở mép góc trang giấy. Vì đơn giản, một khi dừng lại ở tiện ích thì nó sẽ chẳng có gì nói thêm. Nhưng thử nghĩ xem nếu một cuốn sách mà chủ nhân của nó bị thời gian eo hẹp “cắt lớp” bởi quá nhiều lần đọc và với phương pháp thủ công là tiện tay xếp góc sách đánh dấu, thì chỉ sau một lượt đọc qua, nó đã phồng rộp lên rất đáng thương.
Trở lại câu chuyện các bà thủ thư bận rộn ở các thư viện thủ đô Paris. Cái ý tưởng xuất phát từ việc đi lật sách lấy bookmark nảy ra có lẽ là trong một ngày đẹp trời nào đó, có những ông, bà cụ nhàn rỗi đến gõ cửa thư viện xin mượn lại những cuốn sách ngày xưa mình đã đọc dở, hy vọng có thể tìm thấy trong đó những bookmark ghi những xúc cảm ngày tháng năm tuổi trẻ của mình. Những cuốn sách của một thế hệ, một lớp người đọc cũ vẫn nằm im lìm trong các kho đồ sộ và đang bị chồng lên bởi những đầu sách mới. Chúng vẫn nằm ở đó, các thẻ chắn đánh dấu trang vẫn khiêm tốn làm nhiệm vụ của mình và chờ đợi được lần dở tiếp.
Nhưng có những người lính vào chiến trường khi cuốn sách về thế hệ mình vẫn chưa được đọc xong. Có những lời nhắn gởi cho người yêu hay ít ra là một ánh mắt nào đó nơi góc thư viện làm ta rung động vẫn còn lưu trong các bookmark rồi vì run rủi xê dịch nào đấy, mãi mãi về sau, anh ta không còn tiếp tục đọc những cuốn sách ấy nữa. Và rồi cũng có những mối tình già được gởi gắm qua bookmark trong các thư viện thị tứ hẻo lánh mà người lui tới chỉ là những cụ hưu trí hay lớp trí thức cũ…
Tất cả. Tất cả những đưa đẩy rất đời sống ấy, bookmark, không chỉ làm tròn nhiệm vụ của một “thanh công cụ” mà nó đã là thứ mang vào nhiều xúc cảm gắn với tiến trình, không gian đọc.
Có những lời tỏ tình, những cảm xúc thầm kín được ghi vào đó chẳng bao giờ đến được tay người nhận.
Có những cảm giác nảy sinh từ trạng thái đọc chỉ trải qua độc đáo có một lần trong đời rồi mãi mãi không trở lại nữa.
Có những nét chữ hoa mỹ còn đó, khiêm tốn ghi chú trên những trang bookmark nhưng người viết nay đâu?
Tôi vẫn gặp trên mạng, máy tính hôm nay những công cụ firefox, cách cài đặt phần mềm extension foxmarks, những hotlink, favourite… để đánh dấu các trang ebook hay website. Nó là những kiểu bookmark của kỷ nguyên số. Nó phải liên tục cập nhật các phiên bản bảo vệ virus thừa cơ tấn công máy tính. Nó không xúc cảm như bookmark sách in.
Và tôi cũng gặp ở quầy tính tiền của những hội chợ sách trong nước hình ảnh nhân viên thu ngân kẹp vào những cuốn sách những thanh bookmark in logo và giới thiệu những đầu sách mới của nhà xuất bản hay công ty sách. Không ít trường hợp nó bị người mua sách từ chối thẳng thừng vì nghĩ nhầm là “tờ rơi” quảng cáo. Ở tình thế này, chính người làm sách Việt Nam đang biến bookmark thành công cụ marketing thực dụng và làm mất đi tính cách đầy khiêm tốn lặng lẽ của nó trong một tiến trình có tính bay bổng của văn hoá đọc.
Và tôi thầm cảm ơn những bạn bè về các món quà của họ có lúc gợi hứng thú cho tôi gần gũi với sách hơn. Những thanh bookmark đẹp, design trang nhã có khi được ép cả mùi hương nước hoa, mùi trầm thoang thoảng… mà bạn bè tôi chu du trên khắp thế giới thường gởi về làm quà tặng trong những dịp quan trọng. Những bookmark làm cho cuốn sách mang cảm xúc, linh hồn hay ít ra nó gợi nhớ đến tình cảm sự trân trọng.
Và tôi biết ơn em Chi, người bạn nhỏ ở Avignon (Pháp), kẻ hơn một lần tự ví mình như một cuốn sách, còn người đọc sách đó là kẻ tự đọc mình, khám phá mình để thấu hiểu người khác. Với nét chữ tròn đầy viết bằng bút mực trên thanh bookmark kẹp giữa những trang đầu tập thơ đầu tay đẫm suy tư, Chi viết: “Tôi đang đọc… Đã đọc xong, sẽ đọc hết, chẳng thể nào đọc hết, biết đâu bỏ dở… Tôi không muốn tiếp tục… tôi không thể tiếp tục. Vẫn đang có điều gì đó đang sống, đang lưu lại, vướng lại. Ký ức không dừng lại nơi những bookmark? Cảm xúc không dừng lại…”.
… Là khi, bookmark nhắc nhớ rằng, trong đời sống này, có những cuốn sách tôi đọc dở, nhưng không có nghĩa là để mà quên!
VnTim™ Theo NGUYỄN VĨNH NGUYÊN - Sài Gòn Tiếp Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét