“Tam thập nhi lập” nghĩa là người ta đến 30 tuổi mới có thể tự-lập, dựng nên sự-nghiệp cho mình., Theo giáo-lý Khổng-Học, điều này thường để áp-dụng cho đàn ông và con trai. Tuy-nhiên, cái tuổi 30 dù là trai hay gái cũng là tuổi có thể tự-lập và có sự-nghiệp vững-vàng nếu được chuẩn-bị từ nhỏ.
Căn-cứ theo sự giải-thích của Khổng-Tử, con người đến một mức tuổi nào đó mới hiểu rõ được một số điều mà những người chưa đến tuổi đó không hiểu nổi. Chính vì thế mà Khổng-Tử đã nói: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất-hoặc, ngũ thập nhi tri thiên-mệnh, lục thập nhi nhĩ-thuận, và thất thập nhi tùng-tâm sở-dục bất du-củ.” Ngoài tuổi “tam thập nhi-lập,” con người ta đến 40 tuổi mới có trình-độ “tứ thập nhi bất-hoặc,” tức là có thể hiểu được lý-lẽ trong thiên-hạ, phân-biệt được điều phải điều trái, ai tốt ai xấu, và ít khi sai lầm; đến 50 tuổi mới có trình-độ “ngũ thập nhi tri thiên-mệnh,” tức là có thể hiểu được mệnh trời hay chân-lý của tạo-hóa; đến 60 tuổi mới có trình-độ “lục thập nhi nhĩ-thuận,” tức là có học-vấn và kinh-nghiệm trường đời chín-mùi, sự hiểu-biết và việc-làm mới chu-đáo, không thấy những gì nghe được là khó hiểu hay chướng-ngại, và có thể phán-đoán được ngay mọi việc; đến năm 70 tuổi mới có trình-độ “thất thập nhi tùng-tâm sở-dục bất du-củ” rất tự-nhiên, tức là khi 70 tuổi thì hễ nói hay làm một điều gì là tự-nhiên thể-hiện đúng chủ-tâm của mình, muốn sao được vậy, không vượt ra ngoài khuôn-khổ đạo-lý hay lẽ phải.
Muốn đạt tới mức hiểu biết ở mỗi loại tuổi như đã đề-cập ở trên, không phải cứ sống tới tuổi đó là được, người ta còn phải chuyên-tâm vào việc học-hỏi liên-tục từ khi còn trẻ mới đạt kết-quả ấy.
II. Tam Thập Nhi Lập và Việc Học-Hỏi
Có tuổi là một việc. Nếu không có học thì dù tới 30 tuổi người ta cũng không có sức tự-lập được. Có điều là nếu đã tới 30 tuổi mà không tự-lập được vững-vàng thì cuộc đời mai-hậu sẽ gặp nhiêu gian-truân và khó có thể giúp đời một cách hữu-hiệu được. Muốn lập-thân cho đúng nghĩa của nó, các bạn trẻ phải chú-tâm vào việc học. Học không chỉ có nghĩa là cắp sách đến trường, đọc nhiều sách vở để biết chữ-nghĩa, hay học được một nghề để kiếm nhiều tiền là được. Việc học phải gồm đủ mọi mặt và có nhiều cách. Mục đích của việc học là để thành người hữu-dụng cho nhà cho nước.
Học là noi gương và bắt-chước những việc tiền-nhân đã làm, những gương sáng của các bậc vĩ-nhân quân-tử và của những người đồng-thời với ta nhưng những việc làm của họ đáng cho ta học-hỏi và noi-theo để giúp nhân độ thế. Học để tránh những điều sai-quấy. Thấy điều hay phải bắt-chước, thấy điều sai-quấy phải tránh. Người khôn học kinh-nghiệm của người khác là vậy. Học để hiểu. Từ những hiểu-biết căn-bản đó, ta có thể nghiên-cứu thêm và nhiên-hậu phát-minh ra những điều mới. Làm sao học một để biết mười, học cách tìm-tòi, học để suy-diễn chứ không phải cái học từ-chương. Học phải có óc nhận-xét và phê-phán. Không nên quá tin vào sách vở vì “tận-tín ư thư bất như vô thư” (quá tin vào sách thà đừng có sách còn hơn) là vậy.
“Học-hành” có nghĩa là những điều gì học được phải đem thực-hành để giúp ích cho người cho đời. Biết mà để đó cũng giống như không biết. Biết điều phải mà không làm thì cái biết đó chẳng có ích gì cho nhân-quần xã-hội. Hơn nữa, khi ta học được mà không đem thực-hành thì cái học của ta cũng mai-một đi. Chính vì thế mà việc học ở các nước tân-tiến đều đi từ kiến-thức tới thí-nghiệm, trắc-nghiệm, áp-dụng, rồi thi-hành, và cuối cùng lượng-giá và cải-tiến để rút ưu-khuyết-điểm hầu giúp ích cho đời-sống tốt-đẹp hơn.
Học để làm người là cái học quan-trọng nhất tại nước Việt-Nam Cộng-Hòa và các nước tại Á-Đông. Mục-đích việc học của Á Đông là “tiên học lễ hậu học văn” để chú-trọng tới việc xây-dựng con người toàn-diện về phép-tắc, sự giao-thiệp, lễ-độ, tinh-thần, và đạo-đức cũng như kiến-thức. Cái học của Âu-Mỹ chỉ chú-trọng về mặt chuyên-môn để đào-tạo các chuyên-gia hơn là đào-tạo con người. Tuổi trẻ Việt-Nam ở hải-ngoại có lõi-cốt của cái học Á-Đông và bây giờ lại được thêm cái tinh-túy về khoa-học kỹ-thuật Âu-Mỹ thì thật là điều tuyệt-diệu. Học để có kiến-thức và chuyên-môn thì dễ. Muốn học để làm người toàn-diện, các bạn trẻ cần chú-ý các mặt sau:
- Phải học sao để làm người con hiếu-thảo ở trong gia-đình vì chữ “hiếu” là giường-mối của mọi nết ăn-ở trên đời. Con-cái phải có nghĩa-vụ đối với cha mẹ mới là người con có hiếu và mới được gọi là người có ăn-học. Nghĩa-vụ đối với cha mẹ gồm: ân-cần săn-sóc cha mẹ, kính-trọng cha mẹ, chăm-chỉ học-hành, giúp-đỡ cha mẹ, và nghe lời cha mẹ khuyên-bảo, v.v. Con người mang tội bất-hiếu thì chắc-chắn họ chỉ là kẻ sâu-dân mọt-nước.
- Có đễ với anh em và đồng-bào mình. Đối-xử tử-tế, hợp đạo-lý, giữ trọn tình-nghĩa trước sau với anh em đều được gọi là “đễ.” Có đễ thì anh chị em mới hòa-thuận, đồng-bào mới thương yêu nhau, và nhiên-hậu, xã-hội mới thịnh-vượng.
- Học sao để có sự “cẩn-trọng” và “chân-thành.” Khi làm việc gì, khi tiếp-đãi ai, “cẩn-trọng” là việc ta phải chú-tâm, chẳng-hạn như khi giao-tiếp với tha-nhân, ta phải giữ lễ và tôn-trọng ý-kiến người ta. Sự “chân-thành” phải được coi là cốt-yếu. Có chân-thành thì mới có tín. Khi làm việc phải cẩn-trọng. Muốn thế, ta phải có kế-hoạch thi-hành và kiểm-soát trong tinh-thần khoa-học và dân-chủ mỗi khi bắt đầu một công-việc. Có cẩn-trọng và có tín thì mới có thể làm việc ích-quốc lợi-dân được.
- Phải học sao có được lòng từ-bi, bác-ái, khoan-dung, và độ-lượng. Đạo Phật có “đại từ đại bi”; Đạo Thiên-Chúa có “bác-ái” (yêu người như yêu mình, yêu cả kẻ thù); và trong Khổng-Giáo có lòng “nhân.” Tất-cả đều dậy ta có lòng yêu thương tha-nhân, khoan-dung độ-lượng với mọi người, và ăn-ở phải có lòng nhân. Tuy-nhiên, ta phải sáng-suốt để gần-gũi người có nhân, và xa-lánh kẻ bất-nhân. Khoan-dung độ-lượng có nghĩa là tha-thứ và thương-yêu mọi người nhưng không có nghĩa là để kẻ bất-nhân lợi-dụng làm hại mình. Nếu không giáo-hóa được kẻ bất-nhân ta phải xa-lánh họ để tìm cách giáo-hóa cho họ sau.
- Phải lập-chí. Khi muốn làm việc gì và quyết-định làm cho bằng được, đó là có “chí.” Người xưa thường nói: “có chí thì nên”; “có chí làm quan, có gan làm giàu”; “làm trai chí ở cho bền, chớ lo muộn vợ, chớ phiền muộn con”; “làm trai có chí lập-thân, rồi ra gặp hội phong-vân có ngày”; “làm trai quyết-chí tang-bồng, sao cho tỏ mặt anh-hùng mới cam.”
Khi có “hiếu,” “đễ,” “cẩn-trọng,” “chân-thành,” “từ-ái,” “khoan-dung độ-lương,” và “lập được chí” thì cái học của ta mới toàn-vẹn. Tuy-nhiên cuộc đời vẫn có nhiều ngoại-lệ, nhất là ở thời nay. Hoàn-cảnh và dòng-giống cũng có ảnh-hưởng đến sự hiểu-biết và sự lập-nghiệp của con người. Xưa cũng như nay vẫn có người lập-nghiệp và tự-lập ở tuổi hai mươi, có người còn lập-nghiệp sớm hơn nữa. Cùng một trình-độ học-vấn, mỗi tuổi hiểu sự-vật một cách khác. Cùng một tác-phẩm mỗi lần đọc lại ta lại hiểu rõ thêm. Cuộc sống và sự học-hỏi giúp ta hiểu đời càng lúc càng kỹ hơn. Đến tuổi 60 thì mỗi khi thấy sự việc dù trái hay phải, dù thiện hay ác, dù sướng hay khổ, hết thẩy đều không có gì phải ngạc-nhiên. Bởi thế mới có trình độ “nhi nhĩ-thuận.”
III Kết-Luận
Thông-minh tài-giỏi không cứ phải do tuổi-tác nhiều mà có. Người xưa thường nói “Lão- ô bách-tuế không bằng phượng-hoàng sơ-sinh” (con quạ già trăm tuổi không bằng chim phượng-hoàng mới sinh ra) là vậy. Thông-minh có thể do nòi-giống và sự bẩm-sinh mà có. Kiến-thức và kinh-nghiệm phải do học-hỏi mà thành. Tuổi đời cộng thêm việc học-hỏi và từng-trải mới đạt được các trình độ “tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất-hoặc, ngũ thập nhi tri thiên-mệnh, lục thập nhi nhĩ-thuận, và thất thập nhi tùng-tâm sở-dục bất du-củ.”
Ta cần phải chú-tâm về việc học ngay từ khi còn trẻ và tiếp-tục học mãi cho đến già. Học phải bao-gồm từ sự bắt-chước, trau-giồi kiến-thức, nghiên-cứu, áp-dụng, thực-hành, đến việc học làm người, nhất-nhất đều cố-tâm thì mới mong “tam thập nhi-lập” một cách đúng nghĩa của nó được.
Phạm Kim Thư
Theo cadaotucngu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét