Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Binh pháp Tôn Tử trong blog (Hồi II)

Ở hồi trước, các bạn đã được đọc 4 thiên đầu tiên là “Sách”, “Công”, “Hình”, “Tác chiến” của Binh Pháp Tôn Tử, liên quan mật thiết đến sự khởi đầu của các blog và blogger. Ngoại trừ thiên 2 “Tác chiến”, qua việc liên hệ với việc làm blog, ta thấy viết blog là một công việc đòi hỏi phải có “Kế sách”, quá trình làm blog đòi hỏi sự duy trì lâu dài, phải “không bại rồi mới thắng” chứ không phải là viết như điên để thắng nhanh. Bởi vì việc “Đánh nhanh thắng nhanh” không hiện hữu trong làm blog, khi “quân địch” đông vô kể. Cùng lắm thì chỉ có nhanh hơn so với bình thường một chút.

300px China Warring States Period Binh pháp Tôn Tử trong blog (Hồi II)

Hồi này sẽ trình bày 5 Thiên tiếp theo của Tôn Tử Binh Pháp. Các thiên sẽ dành cho việc phân tích các mưu lược trong Binh Pháp Tôn Tử cho các blog có nhiều đối thủ cạnh tranh. (Các bạn có thể tham khảo bài Blog bạn bè không phải là đối thủ cạnh tranh của Phamen)

Thiên 4: Vận dụng (Thế)

Tôn Vũ nói: Phàm điều khiển quân, bất kể nhiều hay ít đều là việc tổ chức biên chế quân đội, chỉ huy quân nhiều hay ít là vấn đề hiệu lệnh. Thống lĩnh toàn quân gặp địch tấn công mà không bị bại trận, ấy là nhờ vào thuật biến hóa kỳ ảo khi dùng binh là chính. Dùng binh công địch được thế như lấy đá chọi trứng, ấy là nhờ biết vận dụng chính xác, tránh thực chọn hư.

Phàm việc tác chiến, dùng chính binh đối địch, kỳ binh thủ thắng. Tướng giỏi dùng binh sẽ biết biến hóa tác chiến như trời đất không bao giờ cùng đường, sông biển không bao giờ cạn nước.

  • Như mặt trăng mặt trời, lặn rồi lại mọc; như bốn mùa thay đổi, qua rồi lại đến.
  • Âm nhạc cũng không quá 5 thanh âm, nhưng biến hóa khôn lường, nghe sao cho hết được;
  • Sắc màu cũng chỉ có 5 màu, nhưng biến hóa nhìn sao cho tận;
  • Vị bất quá cũng chỉ có 5 vị, như biến hóa nếm sao cho đủ.
  • Chiến thuật cũng chỉ có kỳ và chính, nhưng biến hóa của kỳ và chính là vô cùng vô tận. Kỳ chính chuyển hóa lẫn nhau như vòng tròn không có khởi điểm cũng không có kết thúc, ai có thể biết được?

Người giỏi tác chiến là biết tạo ra tình thế có lợi chứ không trách thuộc cấp, biết chọn lựa và sử dụng nhân tài để tạo nên lợi thế.

Phân tích: Nghe “Thế trận” trong Tôn Tử Binh Pháp và cái gọi là “Vận dụng” trong viết blog tưởng chừng không liên quan nhưng không phải. Nhạc chỉ có 7 thanh âm Đồ rê mí, có thêm mấy nốt “thăng” và giáng” cũng chỉ là 12 thanh âm, nghe đi nghe lại cũng nhàm tai. Tuy nhiên, nhạc sĩ tài ở chỗ họ biết sử dụng, biến hóa 12 thanh âm đó thành một bản hòa tấu, tạo nên những bản đàn hay và đẹp.

Blog cũng vậy, kiến thức về blog có thể coi như vô tận, không một ai có thể tự cho mình là biết được hết, ngay cả những Misao, hay Eblogviet. Nhưng họ thành công vì họ biết và hiểu họ đang viết về cái gì. Họ biết linh hoạt nhặt nhạnh, sắp xếp cái mớ kiến thức hỗn độn để trở thành các post có tính chuyên sâu. Bằng không, nghĩ đến đâu viết đến đó, biết cái gì viết cái đó, thấy cái nào hay post cái đó, chẳng khác nào xây nhà không đóng móng, gạch đủ loại mà chỉ biết chồng hỗn hợp lên nhau, sơn đủ màu mà chỉ biết phết lung tung, thì dù Thép Thái Nguyên, Gạch Đồng Tâm hay sơn Dulux Weathershield, chỉ cần gió đến là nhà đổ (có khi tự đổ).

Còn nếu biết viết khéo léo, biết vận dụng kiến thức, biết tổng hợp, thì dù vấn đề viết đã từng được viết đi viết lại trăm ngàn lần, người đọc vẫn sẽ thấy và tìm tòi được những điều mới lạ từ bài post. Thế mới thấy việc vận dụng để viết bài quan trọng đến thế nào.

Thiên 5: Bám trụ chủ đề, không viết lan man (Hư thực)

Tôn Vũ nói: Phàm đến chiến địa trước đợi địch là chiếm được thế chủ động an nhàn, đến chiến địa sau ứng chiến với địch là lâm vào thế mệt mỏi. Vì thế, người chỉ huy tác chiến giỏi là người có thể điều khiển quân địch chứ không thể theo sự điều khiển của quân địch.

Khiến quân địch đến nơi ta làm chủ trước là kết quả của việc dùng lợi nhỏ nhử địch. Khiến địch không thể đến nơi nó muốn, ấy là do ta ngăn cản được nó. Do thế, địch đang nghỉ ngơi, ta phải làm cho nó mệt mỏi, địch đầy đủ lương thảo, ta phải làm cho chúng đói khát, địch đóng trại yên ổn, ta phải làm cho chúng di chuyển, đó là vì nơi ta tấn công, địch ắt phải đến ứng cứu. Quân ta đi được nghìn dặm mà không mệt mỏi là do ta đến những nơi không bị địch ngăn trở, ta đánh mà chắc thắng là do ta tấn công vào nơi địch không cách gì phòng thủ, ta phòng thủ vững chắc do ta biết trước nơi sẽ bị địch tấn công.

Phân tích: Lại lần nữa, nghe cái gọi là “Hư thực” trong Tôn Tử Binh Pháp kể về việc làm chủ điểm yếu của địch, thì cái gọi là “Bám trụ chủ đề, không viết lan man” nghe chừng chẳng có quan hệ nhưng không phải. Hãy đặt ta vào vị thế như một “quân địch”, sẽ thấy rằng việc phải bám trụ vào điểm mạnh của ta quan trọng đến mức nào. Trên thế giới từng có rất nhiều trường hợp chỉ vì chuyển ngành mà phải nhận vố đau. Có thể kể đến Colgate, một hãng kem đánh răng, khi chuyển thêm sang làm ngành thực phẩm với sản phẩm Colgate’s Kitchen Entrees đã thất bại ê chề với khoản lỗ khổng lồ và thậm chí kéo theo cả số lượng bán ra của thương hiệu kem đánh răng Colgate. Lý do, ôi thôi thật đơn giản làm sao, đó là vì cái tên Colgate đã gắn với kem đánh răng, nghĩ đến Colgate chỉ nghĩ đến việc chải rồi nhổ ra, thêm thực phẩm Colgate chẳng khác nào bắt người dùng tưởng tượng mình đang nuốt kem đánh răng vào bụng.

Thực ra blog không hoàn toàn vậy, nhưng qua Tôn Tử Binh Pháp và qua ví dụ trên đây, ta đã rút ra một bài học lớn: “Không hiểu rõ vấn đề thì không nên viết” và “Phải bám trụ với thế mạnh của mình”. Bởi vì chúng ta đang viết cho những người đọc trung thành, bạn hãy chỉ nên tập trung với những thế mạnh mà có, và hãy cẩn trọng khi nghĩ đến việc chuyển sang cái khác. Hãy coi trọng việc chuyển đổi (hay thêm chủ đề) như việc bước vào một trận đánh mới, lại phải có “Kế sách” và “Mưu công”. Bằng không, coi như bạn đã chấp nhận tỷ lệ thành công của bạn bằng với tỷ lệ trúng sổ xố.

Thiên 6: Tận dụng cơ hội (Cửu biến)

Muốn khuất phục chư hầu, phải đánh vào chỗ nguy hại của họ ; muốn điều khiển chư hầu, phải buộc họ làm những việc họ không thể không làm ; muốn ép họ vào thế bị động, phải dùng lợi mà dẫn dụ họ.

Nguyên tắc dùng binh là : không chờ địch đến đánh ta, mà phải tập trung vào việc sắp sẵn kế sách đối phó ; không đợi địch tấn công ta, mà phải trông vào thành lũy của ta vững chắc, địch không thể hạ được.

Làm tướng có 4 điểm nguy hiểm :

  1. Liều chết khinh suất có thể bị giết,
  2. Tham sống sợ chết có thể bị bắt,
  3. Nóng giận hồ đồ có thể mắc mưu,
  4. Liêm khiết tự trọng không chịu được nhục nhã, thương dân có thể lo buồn bất an.

Phạm 4 sai lầm đó thì tai họa khó lường cho việc dùng binh. Quân bị diệt, tướng bị giết đều do 4 điểm nguy hiểm ấy mà ra, không thể không suy xét kỹ.

Phân tích: Suy từ “Thiên 8: Cửu biến” trong Binh pháp Tôn tử đến việc tận dụng cơ hội, mới thấy liên quan mật thiết. Trong quân sự, có cơ hội là phải tận dụng ngay để đánh, thấy địch yếu, rối loạn và lỏng là phải lập tức tiến công. Bằng không, chủ quan, địch mạnh lên, sẽ cảm thấy hối tiếc.

Trong blog cũng vậy, thấy cái gì đang sôi nổi thì phải viết ngay để trở thành người tiên phong. Nếu thấy Contest nào cho tặng host hoặc theme thì phải tham gia ngay, không được phép nghĩ ra bất cứ một lý do nào để ngụy biến cho cái hành động gọi là “để sau cũng được”.

Ta bỏ qua cơ hội chỉ vì nghĩ là có thể có cơ hội thứ hai

Ta chỉ có thể nhìn nhận được cơ hội, mà không thể biết đó có phải là cơ hội hay không, vì vậy, phải tận dụng!

Làm blogger có 4 điều nguy hại:

  1. Đánh máy chậm
  2. Chủ quan, sơ xuất
  3. Lười post
  4. Mạnh đâu viết đó

Phạm 4 điều trên có thể dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội và blog bị thất bại, tốn tiền mua host và domain, không vượt mặt được đối thủ. Blog down, domain hết hạn không được renew đều do 4 điều ấy mà ra, không thể không suy xét cho kỹ.

Viết đến đây Gia Cát Sơn xin mạn phép ngừng bút để uống chén trà đặng nghĩ tiếp bài ngày mai. Muốn biết các thiên sau thế nào xin độc giả đợi hồi sau sẽ rõ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét