Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Hồ nước tự nhiên ở Hà Nội

VnTim™  ^-^
Hồ nước tự nhiên ở Hà Nội

Nếu có dịp đến thăm Hà Nội khách sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống hồ nước, một hệ thống vào loại phong phú và đẹp nhất trong các đô thị ở nước ta: hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, hồ Ba Mẫu, hồ Thủ Lệ, hồ Giảng Võ, hồ Ngọc Khánh, hồ Thanh Nhàn, hồ Vạn Phúc, Đống Đa, ... Hầu hết các hồ nước của Hà Nội là những hồ nước tự nhiên: hồ Tây, hồ Gươm, hồ Trúc Bạch... Đây cũng là nét riêng mà thiên thiên dành cho đất Thăng Long. Trong hệ thống hồ nước này, con người chỉ chỉnh sửa, hoặc điểm xuyến đôi nét trên cái nền tự nhiên vốn có, như hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Gươm, hồ Tây...
 Hồ nước trước tiên phải nhắc tới đó là hồ Tây, bởi nó đã gắn với Thăng Long cùng bao sự kiện của kinh thành từ buổi lập đô. Hồ Tây là một phần uốn lượn của dòng sông Nhĩ Hà (tức sông Hồng). Do dòng sông Nhĩ Hà đổi dòng đã để lại lòng sông cũ thành hồ Tây bây giờ, hai đầu dòng sông cũ là quãng Yên Phụ và Nhật Tân ngày nay. Hồ hiện rộng 522 ha, chu vi khoảng 20 km. Hồ sâu nhất về phía bắc - vùng Nghi Tàm Quảng Bá (khoảng 4 mét); phía Thụy Khê nông hơn. Lượng nước của hồ ước khoảng 8 triệu mét khối. Trước đây hồ Tây và hồ Trúc Bạch nối liền nhau. Trước năm 1957, đường Thanh Niên, tức đường Cổ Ngư cũ chỉ là con đường nhỏ hẹp. Chúng ta đã tiến hành mở rộng lối đi ấy thành đường đôi. Lực lượng lao động chủ yếu là thanh niên học sinh các trường chuyên nghiệp và thanh niên thủ đô, họ lấy đất từ bãi ngoài đê sông Hồng đổ vào làm đường...
Hồ Gươm như một biểu tượng của Thủ đô. hiện nay hồ có diện tích 16,2 ha, sức chứa 176.000 m3. Ngược dòng lịch sử Thăng Long, từ hồ Tây đến hồ Gươm có một loạt hồ như hồ Mã Cảnh, hồ Yên Thành, hồ Hàng Than, hồ Huyền Thiên, hồ Sao La, hồ Diên Hưng, hồ Thái Cực rồi đến hồ Gươm. Các hồ có sự thông nhau bằng các lạch nước. Xưa hồ Gươm mang tên Lục Thuỷ vì nước hồ lúc nào cũng xanh biếc. Hồ còn có con lạch thông với sông Hồng. Trước hồ Lục Thuỷ chưa được chú ý và vào thời Lý hầu như ít được nhắc đến. Mãi đến thế kỷ 15 hồ Gươm (hay Hoàn Kiếm) mới đi vào lịch sử với truyền thuyết Lê lợi trả lại gươm cho rùa thần. Vào thời hậu Lê, thế kỷ XVII- XVIII chung quanh hồ Hoàn Kiếm đã có dân cư và nhiều đền đài ly điện, sau đó các cung điện bị đốt bởi quân Thanh và Lê Chiêu Thống. Còn con đường bao quanh hồ Gươm như hiện nay được khánh thành vào năm 1893..
Nhân nhắc tới hồ Gươm cũng xin nêu một hồ mà nay nó không còn nữa - Hồ Thái Cực (còn có tên là hồ Hàng Đào). Trước đây nó rất gần hồ Gươm, nước hai hồ còn thông nhau bằng một con lạch đi qua quãng phố Cầu Gỗ ngày nay. Xuất xứ tên phố Cầu Gỗ chính từ chiếc cầu gỗ bắc qua con lạch nước ấy. Chu vi hồ Thái Cực cũ nay thành: Cầu Gỗ, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Bè. Đất phố Đinh Liệt và Gia Ngư trước đây chính là lòng hồ Thái Cực. Khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, hồ Thái Cực vẫn còn nhưng vào cuối thế kỷ trước hồ bị dân xung quanh lấp dần, khoảng năm 1920 thì hồ Thái Cực biến mất. Cái tên phố Gia Ngư chính từ tên làng cá sống bằng nghề chài lưới bên hồ Thái Cực xưa.
Phía Nam thành phố xưa cũng có một khu hồ rất lớn: hồ Liên Thuỷ. Năm 1921 khu hồ Liên Thuỷ còn nối với hồ Bảy Mẫu. Trong những năm 1930 - 1940 thành phố tiến hành lấp bớt hồ Liên Thuỷ và hình thành ba hồ là hồ Thiền Quang trên, hồ Thiền Quang dưới và hồ Bảy Mẫu. Hồ Thiền Quang dưới tức là hồ Thiền Quang ngày nay. Hồ này được quy hoạch rộng khoảng 5,5 ha, xung quanh có đường bao quanh và những toà biệt thự. Hồ Thiền Quang dưới còn tồn tại đến năm 1940, vị trí nằm khoảng công viên Thống Nhất ngày nay với đường Trần Nhân Tông, phố Nguyễn Đình Chiểu. Hồ Bảy Mẫu, quy hoạch rộng khoảng 35 ha. Trước đây hồ Bảy Mẫu là một hệ thống gồm các hồ: hồ Liên Thuỷ, hồ Thể Giao, hồ Thiền Quang và hồ Kim Liên, các hồ ấy ranh giới không rõ ràng và nối với nhau bằng các lạch nước. Quãng hồ rộng nhất được gọi là hồ Bảy Mẫu. Hiện nay hồ Bảy Mẫu có diện tích 28 ha. Nhân nói về hồ Bảy Mẫu cũng xin thêm một vài thông tin về công viên Lê Nin: Ngược thời gian, vào đầu những năm 1930 khi thành phố Hà Nội có kế hoạch phát triển về phía Nam, người ta tiến hành san lấp hệ thống hồ ao dày đặc khu vực Vân Hồ, Thể Giao... và có kế hoạch xây dựng một khu công viên. Nơi ấy sẽ là lá phổi cho thành phố. Kế hoạch mới chỉ thực hiện được phần hồ Thiền Quang và cho đến tận vài năm sau hoà bình (năm 1954), chương trình cải tạo khu vực Bảy Mẫu mới được thực hiện. Công việc nạo vét hồ, xây dựng công viên và trồng cây xanh bắt đầu từ năm 1957. Việc nạo vét hồ hồi ấy có sự tham gia tích cực của nhiều tầng lớp nhân dân Thủ Đô, đặc biệt là thanh niên. Khối lượng đất đào ở hồ và công viên là hơn 3 triệu m3 với 2 triệu ngày công. Diện tích công viên hiện nay, tức là cả khu hồ Bảy Mẫu, khoảng 60 ha. Tuy tên gọi là hồ Bảy Mẫu nhưng diện tích rộng hơn rất nhiều. Riêng mặt nước hồ chiếm khoảng tới 28 ha, giữa hồ có đảo Thống Nhất và đảo Hoà Bình.

VnTim™ Theo Đài Tiếng nói Việt Nam - (16/12/2005)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét