Không biết mình cất cái giấy mời họp ở khu vực nào trong cái chỗ đỏ đỏ này đây?
Lâu lâu lại thay ví một lần. Với người đàn bà, ví là thứ không bao giờ vắng mặt trong cái túi, và cái túi thì luôn dính liền với người. Nguyên nhân thay ví thì nhiều. Cái ví mình dung lâu nhất là một cái của LV, do một tập thể đồng nghiệp tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ Băm mấy nhát. Còn cái dùng ngắn ngày nhất là một cái bị trộm móc mất ở hội chợ chỗ Cung Văn hoá.
Cái ví ấy vừa mua, tất tật giấy tờ, tiền nong của một đứa gái độc thân nhét trong đó, mà thằng trộm nỡ móc mất. Sau vụ ấy phải trình bày lý do đủ kiểu mới làm được giấy ra vào, thẻ nhà báo, CMT. Còn đăng kí xe máy và bằng lái thì mất luôn, đến tận giờ vẫn còn cái xe không đăng kí ấy. Mỗi lần ngồi lên nó lại nhớ đến vụ mất ví, lại nhớ đến cảm giác không còn xu nào từ hôm ấy đến cuối tháng. Cái duy nhất còn lại sau vụ mất ví là tờ giấy có dấu xác nhận của CA phường về việc chị VnTim™ có đến trình báo mất ví ở hội chợ.
Cũng đôi khi thay ví vì có cái túi mới, muốn có một cái ví cùng kiểu.
Hoặc giả chỉ vì đơn giản nhìn thấy một cái ví khác to hơn, nhiều ngăn hơn, hợp nhãn hơn.
Nhưng nội dung trong cái ví thì không mấy khi thay đổi.
Luôn luôn có một số thẻ (giờ có thêm thẻ ATM do chồng nộp), một ít tiền (từ hồi mất ví mình lúc nào cũng chỉ mang một ít tiền), vô số hoá đơn các loại, ảnh bé tí của con, một lá bùa hộ mệnh. Lâu lâu thay ví một lần, lại chuyển hết nội dung đó sang ví mới. Cái gì không dùng nữa thì bỏ cho đỡ chật, cái gì phát sinh thì thêm vào.
Và mình thấy thật kì lạ là có nhiều thứ mình giữ rất lâu, rất kĩ, không bao giờ mất, trong khi mình vốn không phải là người ngăn nắp bẩm sinh, rất hay mất cái gì đó chỉ vì quên. Một trong những thứ đó là tờ hoá đơn tiêm phòng cho chó.
Số là nhân ngày 21.6 bảy năm trước, mình được chồng tặng một con chó phốc.
Giống chó này rất bé, lúc mang về nó chỉ nhỉnh hơn con chuột một tí. Khi chuyển về ở với bà nội, Dingo cũng đi theo. Vì nhà chật quá nên thường buộc nó ở gốc cây long não trước cửa. Ai vào nhà cũng bảo: Chưa thấy nhà ai nuôi chó phốc lại béo như nhà này. Mình bảo: Giống nó béo thế đấy chứ. Giống gì vậy? Giống phốc lợn. Hay nhỉ, tôi mới chỉ nghe phốc hươu, phốc chuột, chứ chưa nghe phốc lợn bao giờ. Chưa nghe thì bây giờ nghe cũng chưa muộn mà. Cười hì hì. Thực ra nuôi chó phốc người ta phải bắt nó ăn kiêng, kiêng triệt để, có thế nó mới bé tí tẹo. Nhưng con phốc nhà mình thì ăn xả láng, nên béo múp, lông mượt ong. Và cũng vì nó bị buộc ở gốc cây nên bà y tế phường đi qua tóm ngay, bắt mang đi tiêm phòng. Tiêm thì tiêm. Mình ôm con chó đi tiêm, xong, được phát một tờ Chứng nhận chó đã tiêm phòng. Cách đây hơn 1 năm thì con chó ra đi sau vài ngày ốm. Đúng ra là nhìn thấy nó sắp chết chồng mình bèn mang nó ra công viên Thống Nhất thả từ sang sớm tinh mơ. Vì sợ nó chết trong nhà, nhìn thấy lại thương. Lúc thường có khi mải việc quá chả ai để ý đến nó, nhưng lúc không có nó thì chốc chốc lại có người hỏi, con phốc lợn nhà chị đâu? Chó đã đi rồi nhưng tờ giấy chứng nhận có nội dung: Tên chó: Dingo; Loại chó: Phốc; Tiêm ngày... thì vẫn còn trong ví. Không hiểu sao mình không vứt nó đi. Mỗi lần thay ví, lại cất tờ giấy vào ví mới.
Tờ giấy thứ hai mình cũng giữ rất lâu, đấy là tờ Bảo hành nồi áp xuất Supor. Cái nồi đã dung hai năm, từ khi mình còn đang mang bầu đứa thứ hai, định mua để khi nó ra đời có cái ninh xương. Hạn bảo hành đã hết từ lâu, nhưng tờ giấy thì vẫn giữ, vì trên có có số điện thoại. Một lần, cái zoăng nồi bị hỏng, mình gọi đến số điện thoại ấy thì một giọng Trung Quốc nói tiếng Việt xủng xoẻng cất lên, hỏi đi hỏi lại vẫn không dịch ra được câu trả lời. Nhưng mình vẫn giữ cái phiếu bảo hành. Như một thói quen, như thể nếu nó không ở đấy thì cái ví không phải ví của mình nữa.
Trong ví còn có một tấm card của một người bây giờ đang ngồi trong nhà đá. Hồi mình gặp ông ta, ông ta đang nổi đình nổi đám, rất hoành tráng. Mình suýt nữa định chọn ông ta làm nhân vật cho một cuộc phỏng vấn, vì ông ta vốn cũng là lính, luôn hoài niệm quá khứ oanh liệt. Cuộc hẹn chưa tới thì ông ta bị bắt. Báo chí rùm beng với đủ các cụm từ "bán báo".
Còn nhiều thứ gần như không dung đến nữa nhưng nó vẫn tồn tại chắc chắn trong ví của mình, mà cái ví thì liền với túi, túi lại liền với người. Nhất định rồi. Thậm chí cả trong ngăn kéo bàn làm việc nữa, cũng có những thứ không dung đến nhưng tuổi thọ của nó thì rất đáng kể.
Trong khi đó thì một số thứ rất quan trọng lại hay bị mất. Không mất thì cũng thất lạc đâu đó một hồi mới chịu quay về. Những thứ quan trọng kiểu như sổ hộ khẩu của gia đình, giấy khai sinh của con, thẻ Đảng viên (cái này mà mất là bị kỉ luật nên mình không bao giờ mang theo người. Hic!)... thì chúng lại hay lẫn vào đâu đó, mặc dù mình đã cố ý để vào môt chỗ rất kĩ, không có ai sờ đến ngoài hai vợ chồng, nhưng vẫn có lúc toát mồ hôi để tìm nó. Có mỗi tiền là không bao giờ phải tìm, vì từ hồi trở thành người giữ hũ gạo cho mấy bố con nhà nó mình luôn biết trong nhà mình có bao nhiêu tiền, lẻ mấy ngàn. Hà hà, chồng mình bảo con: Mẹ các con là cái hom, tiền chui vào rất dễ, nhưng ba con mình cạy ra rất khó. Chúng nó lại hỏi, cái hom là cái gì. Thì bảo: Cái hom là cái sinh ra chỉ dành cho đàn bà. Lại hỏi tiếp: Thế sau này chúng con cũng là cái hom ạ? Trả lời nốt: Chúng mày mà là cái hom thì con rể ba lại đến đây hỏi tội ba, rằng ông bà dạy con kiểu gì thế?
Mình không thuộc típ người hoài cổ. Nhất định thế rồi. Lại là người đãng trí nữa. Cho nên, khi đi trên đường hay tới một đám đông, mình sợ nhất là gặp một người nào đó, mặt thì rất quen, nhưng anh ta (chị ta) ở đâu, làm gì, mình quen trong hoàn cảnh nào thì mù tịt. Như thể chưa hề nạp một tí dữ liệu nào về con người này trong ổ D của bộ não. Nhưng rõ là cái mặt họ thì quen lắm. Cho nên khi ấy thường cười cười, giả vờ hỏi han chung chung, và chắc là cái mặt mình thường ngây ngây thộn thộn nên thế nào cũng bị hỏi: Thế em (chị, cậu) đã nhớ ra anh (chị, tớ, em) là ai chưa? Quên thế quái nào được, mình hay chống chế thế. Có lần thì sau vài câu thăm dò đã nhớ ra họ là ai, nhưng có lần không nhớ được tí gì, mới có chuyện đáng nhẽ phải gọi họ là anh (chị) thì mình lại xưng cậu tớ hoặc ngược lại. Xấu hổ kinh người.
Cho nên mỗi khi gặp một ai đó, khi mình vồ vập mà họ quên béng mất mình, mặt cũng ngây ngây thộn thộn là mình lại cười hì hì. Rất thông cảm. Không biết họ có xấu hổ như mình không.
Nhưng quả thực, phần mềm ghi nhớ chân dung con người trong mình rất kém. Cho nên, nhân câu chuyện dưa lê này, nếu ai có bị VnTim™ nhớ HÌNH THỨC mà quên mất NỘI DUNG thì cố gắng thông cảm cho VnTim™ nha.
Hôm nay mình lại thay ví. Vì cái ví đang dung bị hỏng. Lại nhặt nhạnh cả giấy bảo hành nồi áp xuất lẫn giấy chứng nhận tiêm phòng chó, lẫn card của cái ông đang ngồi bóc lịch sang ví mới. Vứt đi không đành.
Trong khi đó thì cũng hôm nay, lại cuống lên đi tìm một cái giấy triệu tập họp của thủ trưởng. Ông thủ trưởng này rất kinh, vắng mặt kiểu gì cũng chết. Rõ rang hôm nhận giấy mời họp mình đã cất cẩn thận mà bây giờ không tìm thấy đâu. Chỉ nhớ láng máng chiều ngày hôm ấy phải có mặt, nhưng mấy giờ, chỗ nào thì chịu.
Lẩm cẩm rồi. Lẫn rồi. Con mình hay nói như một bà già: Mẹ thì chưa già đã lẫn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét