“ Rủ nhau đi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay...”
Cảnh thao tác kim hoàn phố Hàng Bạc |
Hàng Bạc nằm trong khu phố cổ của Hà Nội, là một trong số 36 “ phố xưa nhà cổ” nổi tiếng của Thăng Long – Hà Nội. Các nhà nghiên cứu lịch sử chưa tìm được tài liệu nào xác định rõ niên đại của việc hình thành con phố cổ này. Nhưng nếu căn cứ theo nội dung của văn bia đặt tại Đình Dũng Hãn, tọa lạc tại số nhà 54 phố Hàng Bạc thì phố Hàng Bạc đuợc hình thành vào thời Lê.
Phố Hàng Bạc dài 280m, phía Đông nối với phố Hàng Mắm, phía Tây giáp với phố Hàng Đào - Hàng Ngang. Thời Lê, Hàng Bạc thuộc phường Đông Các, huyện Thọ Xương. Đến Nhà Nguyễn đổi thành thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Thời Pháp thuộc lại mang tên Rue de Changeurs (phố những người đổi bạc. Người dân gọi tắt là Phố Đổi bạc). Bản đồ thời Nguyễn cho thấy phố Hàng Bạc là một trong hai trục phố chính chạy thẳng từ Cửa Đông ra đến bờ sông Hồng. Đường phố ở đây khá rộng, khoảng “ 10 đến 12 con ngựa có thể đi hàng ngang”, “ một nửa đường là đất chuyên dành làm lối đi cho súc vật và chở hàng hóa, nửa còn lại được lát gạch dùng làm đường đi cho khách bộ hành...”. Dọc hai bên phố: “ những người ngồi xếp bằng tròn sau quầy hàng, trước mặt là đống tiền và một chiếc tráp nhỏ sơn son...”. Hàng Bạc nổi tiếng vì nơi đây tập trung những người thợ kim hoàn có tay nghề cao, khéo léo trong việc chế tác đồ trang sức bằng vàng, bạc và cũng là nơi có mật độ cửa hàng bán đồ trang sức dày đặc nổi tiếng kinh thành. Kẻ mua, người bán, người đổi bạc... khiến cho con phố nhỏ này luôn tấp nập người qua, kẻ tới.
Phố Hàng Bạc xưa |
Trang sức là một nhu cầu của con người cho dù ở thời đại nào và quốc gia nào cũng vậy. Chính vì thế, nghề chế tác đồ trang sức đã có ở nước ta từ rất sớm.Theo một số ghi chép trong thư tịch cổ Trung Quốc thì, vào những năm 187- 226 Thái thú Sĩ Nhiếp đã cho đưa về Trung Quốc nhiều đồ cống phẩm chạm vàng bạc. “ Đại Việt sử ký toàn thư” cũng ghi chép: “ thời tiền Lê, Đại Hành hoàng đế đã sai thợ khéo trong nước làm những đồ vàng bạc tinh xảo để làm cống phẩm cho phương Bắc...”. Đến thế kỷ thứ XV, triều đình nhà Lê giao cho quan Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê (Hải Dương) lập xưởng đúc bạc nén. Vậy là những người thợ bạc ở một miền quê xa đã theo quan thượng thư Lưu Xuân Tín đến lập nghiệp, mở xưởng đúc bạc ở mảnh đất ngay sát Hoàng thành Thăng Long này. Cùng với nghề đúc bạc nén, những người thợ bạc Châu Khê đã phát triển thêm nghề trang trí vàng, bạc... Đến đầu thế kỷ XIX, xưởng đúc bạc chuyển vào Huế. Nhưng nghề chế tác, gia công đồ trang sức ở đây không mai một, ngược lại còn phát triển hơn. Bởi lẽ cùng với thợ bạc Châu Khê (đúc bạc, đổi bạc), nơi đây còn hội tụ những bàn tay khéo léo, tài hoa của thợ bạc từ Đồng Sâm (Thái Bình, nổi tiếng với nghề chạm bạc) và Định Công Thượng (Hà Nội, chuyên về đồ đậu), tới đây cùng mở cửa hàng kinh doanh buôn bán, vừa tổ chức sản xuất, dạy nghề.
Sản phẩm Kim hoàn tại Hàng Bạc |
Chả thế mà, từ xa xưa đã lưu truyền trong dân gian câu ca mang đậm chất lãng tử, khoe tài: “ Làng anh rặt thợ kim hoàn / Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay...” của các chàng trai phố nghề. Nghề chế tác đồ trang sức không chỉ đòi hỏi người thợ kim hoàn sự cần cù, chịu khó, khéo léo... mà còn đòi hỏi ở họ sự sáng tạo của người làm nghề - một nghề vừa đòi hỏi sự tỷ mỉ vừa đòi hỏi tính thẩm mỹ cao. Theo quan niệm của người xưa, đeo bạc vừa để “ kỵ gió”, vừa để “làm sang” (được bạc thì sang). Vậy nên, những đồ trang sức bằng vàng , nhất là bằng bạc thì, ngoài giá trị thông thường dùng để làm đẹp cho các đối tượng bình dân, nó còn có giá trị thẩm mỹ bởi lẽ nhiều món hàng là những tác phẩm nghệ thuật dùng để trang trí làm đẹp, làm sang cho vua chúa, quan lại và tầng lớp thị dân giầu có... Vì vậy, sản phẩm vàng bạc, ngoài đồ trơn (không chạm, khắc) như nhẫn, khuyên tai, vòng xuyến; còn có đồ chạm (có chạm, khắc). Đó là những sản phẩm chất lượng cao, có tính thẩm mỹ. Ở những sản phẩm này, người thợ tài hoa thường sáng tác theo đề tài: tứ linh (long, ly, quy, phượng), bát vật (tám con vật), bát bảo (tám con vật quý), bát quả (tám loại quả quý). Hoặc: xuân, hạ, thu, đông; hoặc: tùng, cúc, trúc, mai... vừa gần gũi với đời thường và cũng là một đề tài quen thuộc. Hình tượng con rồng linh thiêng trong văn hóa và đời sống tâm linh của người Việt cũng trở thành một đề tài hấp dẫn, và có sức khơi gợi sự sáng tạo của những người thợ tài hoa. Nào là lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng cùng chầu mặt trăng), nào là “ long hàm thọ” (rồng ngậm chữ thọ)...
Trải bao năm tháng, “vật đổi sao dời”, nghề kim hoàn ở phố Hàng Bạc lúc thịnh lúc suy, nhưng đến nay lại sầm uất hơn bao giờ hết, nhất là từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa. Mặt hàng truyền thống ở đây không chỉ hấp dẫn người dân Thủ đô, người dân trong nước mà còn thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài.
Phố Hàng Bạc không chỉ nổi tiếng bởi nơi đây đã hình thành, phát triển và gìn gữi được nghề cổ của Thăng Long xưa Hà Nội nay, mà còn hấp dẫn du khách vì những giá trị văn hóa - lịch sử, nơi đã lưu lại những dấu tích về nghề kim hoàn có một không hai của kinh thành. Đó là các di tích nổi tiếng Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), thờ ông tổ bách nghệ, đồng thời đây cùng là địa điểm giao bạc để đúc và nhận bạc nén; Đình Trương Thị (50 Hàng Bạc), là nơi lưu dấu tổ nghề vàng bạc và cũng là nơi người dân Định Công Thượng tổ chức thờ phụng tổ nghề của mình là ba anh em họ Trần (Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền)...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét