- Cháu ngồi xuống đây.
Ông Thuần chỉ chiếc ghế sa lông bọc nhung đỏ có viền đăng ten trắng ở phía đối diện. Hiên ngồi xuống lặng lẽ nhìn ông Thuần thu dọn giấy tờ, sổ sách thành một chồng gọn ghẽ rồi đẩy dạt về một góc bàn, lấy chiếc bao kính dằn lên. Ông thở ra một hơi dài. Bây giờ ông mới cười với Hiên. Nụ cười làm gương mặt ông giãn ra, tươi tắn, nó biểu lộ sự bao dung, rộng lượng của người cha có lẽ ngoài những đứa con ông chỉ có thể có đối với Hiên.
- Công việc của cháu lúc này ra sao?
- Cũng bình thường chú à!
- Cháu có về thăm nhà? Má cháu đã đỡ chưa? Nói má cháu mỗi tối ráng ngâm chân trong nước nóng chừng mười phút.
Bao giờ cũng vậy hễ gặp Hiên là ông Thuần sốt sắng hỏi những câu ấy hết sức ân cần. Giữa bao công việc bề bộn, Hiên biết có những buổi trưa ông không hề được ngả lưng chợp mắt lấy một chút vậy mà ông vẫn quan tâm đến Hiên. Cái chứng tê thấp mấy mươi năm của má Hiên đến như bất trị, duy có một lần Hiên kể với ông hôm mới về nhận việc, ông vẫn nhớ. Phải có tình cảm thật sâu đậm thì người ta mới không quên những điều hết sức vụn vặt ấy. Hiên cảm nhận được điều đó và thầm cảm ơn ông. Nhưng lúc này thái độ ân cần của ông Thuần không làm cho Hiên hết nỗi băn khoăn. Hình như những điều vừa nói không phải là mục đích ông gọi Hiên lên sở gặp ông. Tuy vậy, Hiên vẫn nén lòng chờ đợi chứ không bật ra câu hỏi.
Rồi điều đó đã đến. Sau một lúc đắn đo, cân nhắc, những ngón tay vẫn gõ nhè nhẹ đều đều lên mặt bàn, ông nói giọng trầm hẳn xuống:
- Gần đây chú có nghe anh em dưới công ty nói về quan hệ của cháu với Sĩ. Chú thì chú chưa tin đâu. Vì Sĩ vợ con ràng ràng ra đó, còn cháu thì mới về công tác chưa đầy một năm, việc hiểu nhau chưa phải đã nhiều. Chú chỉ muốn lưu ý cháu, vì đã có dư luận, nên cháu phải dè dặt hơn để tránh sự hiểu lầm.
Dù có linh cảm đây sẽ là cuộc gặp gỡ không bình thường nhưng điều ông Thuần nói đã vượt quá sức tưởng tượng của Hiên. Cô nghe ngực mình đau nhói, nén hết sức mới không để những giọt nước mắt ứa ra trước mặt ông Thuần. Hiên không biết phải trả lời sao với ông. Thanh minh? Không. Nó sẽ là sự ngụy biện càng tăng thêm nỗi nghi ngờ. Vả lại, ông nói là ông không tin những lời đồn đại ấy kia mà!
Hiên không được cho phép mình nghĩ khác hơn ý nghĩ ban đầu về ông Thuần. Chẳng phải Hiên đã được ông chiều chuộng, thương yêu như con ruột đó sao? Hôm đến sở nhận công tác, thăm hỏi một hồi ông Thuần nhận ra Hiên là con của người đồng đội thân thiết của ông. Hôm đó Hiên mới biết tường tận trường hợp hy sinh của ba cô. Kể lại ông Thuần đã khóc, vì những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh cứ dồn dập hiện về như nó vừa mới chấm dứt hôm qua. Ông lấy làm ngạc nhiên khi biết được cho đến nay mẹ con Hiên vẫn chưa nhận được tấm giấy chứng nhận ba cô là liệt sĩ. Ban đầu là ngạc nhiên nhưng sau đó ông ray rứt vì cảm thấy mình có lỗi. Ông tự xỉ vả mình là kẻ vô tâm. Một người duy nhất chứng kiến cái chết của đồng đội mà suốt mười ba năm trời sau giải phóng vẫn im hơi lặng tiếng, không một lần đến nhà xem vợ con người ấy sống ra sao? Chiếc bòng bằng vải dù Mỹ, một cuốn sổ tay ghi chép linh tinh không hẳn là nhật ký có tên làng xã, vợ con người bạn ấy ông Thuần vẫn còn cất giữ. Nhiều lúc chợt nhớ đến nó lòng ông Thuần lại dậy lên nỗi day dứt như mình còn mắc một món nợ chưa trả được. Ông tự hứa là có một dịp nào đó công việc rảnh rỗi ông sẽ tìm đến cái làng biển heo hút của người đồng đội trao tận tay vợ hoặc con người ấy những kỷ vật mà ông đã gìn giữ khi anh ấy hy sinh. Ông biết những kỷ vật ấy không hề có chút giá trị gì về mặt vật chất trong thời buổi mà đồng tiền là chiếc chìa khoá vạn năng này nhưng nó sẽ là vô giá đối với vợ con người bạn. Đối với họ chiếc bòng, cuốn sổ tay kia chính là hình ảnh, chính là hơi hướm của người thân mà họ không bao giờ gặp lại nữa. Có nhiều đêm nỗi day dứt đã bừng dậy trong ông mãnh liệt, nó thúc giục ông đi đến quyết định là ngay ngày mai vào sở ông sẽ sắp xếp công việc, cắt đặt, phân công đâu vào đó để thứ ba, thứ bảy tuần này hoặc thứ năm tuần tới hoặc đầu tháng tới nữa ông đi. Những lúc như vậy như để kiểm tra lại xem những món ấy có còn nguyên vẹn không ông lại mở khoá một ngăn tủ của chiếc bàn làm việc lôi chiếc bòng ra. Ông cảm thấy yên tâm khi nó không bị mối mọt hay những con gián chết tiệt phá hại, chỉ có bốc lên mùi ẩm mốc và bị phủ một lớp bụi mỏng dù ông đã khoá tủ cẩn thận. Vào sở chưa tính được gì thì có đoàn khách trung ương về hoặc văn phòng vừa nhận công văn mời giám đốc dự cuộc họp này, đại hội kia… rồi bao nhiêu việc khác nữa cứ ập đến. Ông quên bẵng đi cái ý định hồi hôm, khi nhớ ra thì đành tự nhủ: Thôi, để dịp khác, chắc cũng chưa muộn. Vì công việc lúc nào cũng vây quyện, trói giò trói cẳng chứ mình đâu muốn vậy! Cứ thế lần lựa tháng này qua tháng khác, hết năm nọ đến năm kia ông vẫn chưa thực hiện được cái ý định của mình. Cái ý định cỏn con vậy mà nó dằn vặt ông quá sức. Thật là may mắn, cô kỹ sư nông nghiệp mới ra trường vừa được điều về chính là con của người bạn ấy. Không thể nói hết được niềm vui của ông Thuần lúc nhận ra Hiên. Ông như người trút bỏ gánh nặng suốt đoạn đường dài dằng dặc nắng như đổ lửa mà không tìm được nơi nghỉ chỉ trừ khi đến đích.
- Không biết thì thôi, biết rồi cháu hãy coi chú như ba cháu. Chú sẽ lo cho cháu.
Ông không ngờ sự đời nhiều lúc xảy ra như những trường hợp ngẫu nhiên khó hiểu đến như vậy. Tại sao cô gái này chứ không phải ai khác đã chọn ngành nông nghiệp để rồi về Sở và gặp ông. Ông cảm thấy hạnh phúc và tự thấy trách nhiệm của mình đối với Hiên. Nhưng nỗi day dứt bấy lâu nay tưởng sẽ trút bỏ dễ dàng bây giờ lại đè nặng ông hơn. Đó là khi ông biết cho đến nay mẹ con Hiên vẫn chưa hề biết chút xíu gì về cái chết của ba cô. Sau ngày giải phóng, giữa bao cảnh sum họp vui vẻ của nhiều gia đình thì mẹ con Hiên vẫn sống trong sự khắc khoải hy vọng. Ba tháng rồi một năm, không có tin tức gì. Những lời đồn đại rồi sự khẳng định của mẹ con Hiên là ba cô không còn nữa.
Khi chính quyền địa phương đến vận động gia đình Hiên nên lo hồ sơ liệt sĩ cho ba cô cũng là lúc mẹ Hiên hết sức bối rối. Hiên đã hỏi thăm những người có thể hỏi, cũng không một ai cùng đơn vị với ba cô. Một lần Hiên lên tỉnh đội cũng không ai biết rõ tường tận ba cô chết trong trường hợp nào. Khi mà mẹ con Hiên không còn hy vọng nữa thì Hiên gặp ông Thuần. Ông đã mở cái ổ khoá của cái chết ba Hiên mà suốt mười năm trời chưa ai mở được.
* *
*
Đội kỹ thuật của Công ty dịch vụ kỹ thuật cây trồng thuộc Sở Nông nghiệp là một dãy nhà trệt ba căn nằm trên một bìa ruộng ngoại ô thị xã. Từ đường cái dẫn vào đội bằng lối đi nhỏ hai bên trồng bạch đàn thẳng tắp. Thường ngày đi đâu về đến khúc rẽ là Hiên xuống xe dẫn bộ. Cô thích như vậy. Sau một đoạn đường nắng gắt, rẽ vào con lộ nhỏ đầy bóng râm làm cho người dễ chịu. Nhưng hôm nay Hiên cứ đạp xe xộc vào đến cửa nhà. Dù cố giữ nét mặt thản nhiên nhưng nó không lọt qua được cặp mắt của Sĩ. Vừa thấy Hiên anh hỏi với vẻ sốt ruột:
- Có chuyện gì vậy Hiên?
- Đâu có gì anh.
- Đừng giấu. Bị ông Thuần xạc rồi phải không?
- Dạ không. Ông hỏi thăm về hồ sơ của ba em mà!
Sợ Sĩ bắt gặp ánh mắt tố cáo điều nói dối vừa rồi Hiên quay ngoắt về phía phòng mình.
Cho đến lúc này Hiên cũng không hiểu tại sao ông Thuần lại nói với cô những điều ấy. Đối với Hiên đó là sự xúc phạm danh dự một cách đau đớn dù câu nói được che đậy đến mức nào. Có thực sự là ông đã nghe được lời đồn đãi ấy từ phía những người ở công ty? Anh Hoàng, anh Miên, anh Trọng… các anh đã nghĩ về tôi như vậy sao? Để loại trừ Sĩ các anh đã đưa tôi làm một con cờ cho nước đi của mình? Đã lâu nay các anh đối xử ân cần, chăm chút tôi như đứa em gái chỉ là ngoài mặt? Ôi cái ngoài mặt thật là đáng sợ.
Sự bằng mặt không bằng lòng của những người ở đây đã làm cho Hiên một cô gái mới thực sự bước chân vào đời quá ngỡ ngàng.
Toàn đội kỹ thuật vẻn vẹn năm người, có Hiên về thêm được một lại là nữ nên ai cũng quý. Các anh đã lo lắng cho Hiên trong những điều kiện có thể lo được nhằm tạo thuận lợi cho cô phát huy năng lực của mình. Một căn phòng sạch sẽ, thoáng mát, cửa sổ thông ra khu ruộng thí nghiệm nhân giống. Anh Hoàng, đội trưởng còn giao cho Hiên quản lý phòng thí nghiệm để thoải mái trong việc nghiên cứu. Lúc mới về nhìn Sĩ, Hiên có cảm giác sờ sợ. Người gì lúc nào cũng có vẻ tất bật và cực đoan. Cái gương mặt xương xương đen sạm, tai tái của người từng trải những cơn sốt rét; đôi chân mày rậm ngang phè tạo cho đôi mắt sâu sáng quắc toát lên vẻ khắc khổ và bướng bỉnh. Thôi nhỏ ơi, mi chỉ giỏi phát hiện những mầm bệnh do các loại nấm, các loại tuyến trùng, ấu trùng gây ra trên cây cỏ chứ làm gì đủ kinh nghiệm để nhận xét con người! Hiên cười thầm.
Thật lòng, Hiên quý Sĩ ở công việc. Mỗi lần họp kiểm tra kế hoạch công tác thì chắc chắn Sĩ sẽ cãi. Cãi dữ dội. Thường là cãi nhau về quan điểm. Trên thực tế thì Sĩ cãi với Hoàng đội trưởng nhưng suy cho cùng là anh bất đồng quan điểm với ông Thuần. Bởi vì Hoàng chỉ là người phát ngôn trung thành của ông. Trong những cuộc tranh cãi như vậy, Sĩ luôn là người to tiếng nhất, lập luận vững chắc, chứng minh cụ thể để bảo vệ quan điểm của mình. Nhiều lúc Hiên thầm thán phục anh có tài hùng biện. Nhưng cái chất hùng biện ấy chính là mối hiểm hoạ cho anh. Người nghe không bắt bẻ anh vào đâu được đành im lặng. Mà im lặng một cách hậm hực, tức tối để rồi sau đó ngấm ngầm hại anh. Chuyện ấy khó khăn gì. Sàng sàng cá mè một lứa với nhau về tuổi tác, về thành tích trong kháng chiến, về chuyên môn nếu đánh giá trên bằng cấp mà Sĩ chỉ là một anh cán bộ bình thường khi Hoàng là đội trưởng, Trọng là đội phó, Miên là bí thư chi bộ công ty luôn cận kề giám đốc Sở. Họ tha hồ thêu dệt, suy diễn theo cách nghĩ của họ, về mục đích, về thái độ của Sĩ trong việc đấu tranh quan điểm với ông Thuần. Họ đã điểm trúng huyệt ông giám đốc.
Để biết được những chuyện ấy đối với Hiên thật không dễ dàng chút nào. Cô phải đánh đổi nó bằng cả cái chất hồn nhiên, trẻ trung của một cô gái mà nó chỉ có ở một giai đoạn nhất định trong cả đời người. Rời khỏi ghế nhà trường với bao ước mơ, bao dự định tốt đẹp, cô sẽ thực hiện khi về cơ quan công tác. Hiên thật sự hài lòng khi được sống trong cái tập thể nhỏ nhoi mà rất đổi thân tình này. Các anh sống chan hoà, gắn bó với nhau quá! Hầu như chỉ có công việc chuyên môn, chỉ có khoa học là điều say mê duy nhứt. Thường trên bàn trà và thỉnh thoảng bên ly rượu, các anh say sưa bàn về những phát minh khoa học phục vụ nông nghiệp mới nhất trên thế giới, những giống lúa mới lai tạo hay xoay quanh hướng khắc phục những cánh đồng bị nhiễm mặn ở các huyện vùng biển… Cuối cùng cũng quay về những khó khăn, những vướng mắc lớn nhất mà đội đang gặp phải. Bao trùm lên tất cả chính là sự không quan tâm đúng mức của Sở đối với đội kỹ thuật, đối với những người làm công tác khoa học.
Ấy vậy mà không biết từ lúc nào Hiên có cảm giác hình như trong cái vẻ ấm cúng của tập thể đội kỹ thuật có ẩn chứa sự rạn vỡ. Nó kín đáo lắm, nó tế nhị lắm, nhưng mà có. Hiên nhận ra Sĩ bị cô lập trong bức màn tế nhị ấy. Vả lại cũng không có lý do gì để mà lộ ra trong mối quan hệ thường ngày được. Sĩ cãi dữ dội trong các cuộc họp để nhằm đi đến thống nhất nhau trên quan điểm chứ còn sau đó trách nhiệm của anh đối với công việc thì không chê vào đâu được. Việc gì anh nhận làm thì làm một cách say mê. Những lúc sau này Sĩ thường đi về những vùng trọng điểm lúa. Và bao giờ anh cũng có những phát hiện hết sức tinh tế nhưng y như rằng sau đó anh sẽ nổi nóng, sẽ thắc mắc, sẽ quy tội cho những người có trách nhiệm. Trong một cuộc họp toàn công ty có giám đốc Sở xuống chủ trì, nhân bàn việc đưa cây đậu nành xuống ruộng, Sĩ nói:
- Vấn đề này không phải mới mẻ gì nhưng đến hôm nay chúng ta mới quan tâm tới thì đã quá chậm. Tại sao không thực hiện sớm hơn từ những năm trước? Trong khi những nơi khác, người ta đã làm chán chê, đã xuất khẩu thu về một số lượng ngoại tệ lớn thì ở đây ta mới chập chững bước theo. Đã vậy mà khâu đầu tư, một khâu hết sức quan trọng góp phần quyết định cho sự thành công thì các đồng chí không nghĩ tới. Chúng ta khuyến khích nông dân trồng đậu nành, nhưng phân bón, thuốc trừ sâu thì không hề nhỏ xuống một giọt. Các anh bảo cán bộ kỹ thuật xuống dưới làm gì khi phát hiện ra bệnh mà đành bó tay chịu trận? Về giống các anh có biết toàn bộ số giống Sở đưa về mấy đợt chỉ là giống chết. Có hợp tác xã kiên trì gieo đến ba lần mà không một hạt nẩy mầm…
Cách nói ấy là một gáo nước lạnh tạt vào mặt ông Thuần. Mặt ông đỏ lựng, hai vành tai thâm tím. Ông đứng dậy, hoa tay và không kiềm chế được cơn tức giận nên giọng càng lúc càng nặng trịch khiến người nghe cảm nhận đầy đủ uy lực của ông toát ra trong đó. Và như thế, thường là không ai có ý kiến gì khác nữa. Ông cho rằng kiểu quy tội như vậy là không đúng, là tả khuynh, không thực tế… Rằng những năm trước không thể ứng dụng được vì tình hình thực tế không cho phép, rằng chưa có chủ trương của tỉnh uỷ. Để cho trên đồng ý chủ trương này ông đã tốn biết bao ngày giờ công sức thuyết phục các đồng chí lãnh đạo… Rằng Sĩ không thông cảm trước những khó khăn thuộc về khách quan trong tình hình thực tế hiện nay. Muốn xởi nó đâu phải một sớm một chiều. Không thể nào đòi hỏi hơn được nữa mà quan trọng là chúng ta (đúng hơn là những người như Sĩ) có dốc toàn tâm toàn lực làm hay không?
Sau đó, khi đã trút được những lời lẽ có tính chất áp đảo, cơn giận cũng nguôi đi, bấy giờ ông giám đốc mới trở lại giọng nói bình thường có pha chút tâm tình. Ông nói rằng ông cũng thấy hết những khó khăn, cũng băn khoăn đến mất ăn mất ngủ vì nó nhưng chưa có cách gì giải quyết được. Thì thôi, mình phải ráng, anh em cứ làm đi rồi lãnh đạo sẽ thấy chứ ở đó mà trách thì được cái gì?
* *
*
Lần đầu tiên chứng kiến sự nổi nóng của ông Thuần Hiên có cảm giác rờn rợn. Phải nói là Hiên bị hụt hẫng. Một ông Thuần lạ lẫm đến không ngờ. Đêm đó cứ nhắm mắt lại là cô thấy như in mặt ông Thuần đỏ lựng, vành tai thâm tím đứng lên hoa tay, và giọng nói nặng trịch. Cố xua đi thì nó càng đến. Hiên không thể hình dung được chính ông Thuần đã khóc khi trao chiếc bòng, cuốn sổ tay lại cho Hiên. Những giọt nước mắt ấy đã đọng lại, ngưng tụ trong tâm trí cô. Bây giờ Hiên bị choáng bởi một ông Thuần giám đốc ý thức được đầy đủ quyền lực của mình. Sau cú nốc ao hiểm hóc thì liền xoa dịu để đối thủ (mà là cấp dưới của mình) thấy được sự rộng lượng của bề trên quân tử. Phải nói cú nốc ao ấy hiệu quả vô cùng, có bất lực chăng vẫn là đối với anh chàng Sĩ. Mà ông có hy vọng gì Sĩ sẽ gục. Đánh Sĩ, nhưng hàng lô những anh không phải là Sĩ đã gục. Đó mới là mục đích của ông.
- Tại sao có lúc Minh lại tỏ ra đồng tình với anh mà sau này luôn giữ thái độ im lặng? – Có lúc Hiên đã hỏi Sĩ như vậy.
Sĩ cười xòa:
- Vì còn chỗ đứng, còn con đường tiến thân nữa chứ.
- Nhưng nếu quan điểm của anh đúng, có người ủng hộ vì thấy nó đem lại lợi ích chung thì vấn đề sẽ khác đi chứ. Lãnh đạo sẽ nhìn lại vì đó đâu còn là ý kiến của riêng anh.
Đang theo dõi sự phát triển mầm bệnh trên những bụi lúa mà anh đã cất công mang về từ những địa phương bày la liệt ở hiên nhà, Sĩ ngừng tay nhìn Hiên, vẻ ngạc nhiên:
– Hiên ngây thơ lắm. Với ông Thuần thì biết quá rõ điều đó chớ, nên ông ta đâu để đến mức phải “nhìn lại”. Một khi ông và những người hậu thuẫn của ông đã quy cho anh là người có tư tưởng không ổn định, bị tác động của kẻ xấu và nguy hiểm hơn là người luôn chống đối lãnh đạo, đấu tranh vì động cơ cá nhân thì khó ai đủ kiên trì dũng cảm ủng hộ anh. Vì họ thấy rõ những đề nghị ấy chẳng những không được thực hiện mà còn có hại đối với họ nữa. - Mắt Sĩ ánh lên tia giễu cợt - Sống trung thực khó lắm cô bé ơi!
Lại thêm một điều mới mẻ nữa về ông Thuần. Hiên nghe đầu váng vất. Một cảm giác giống như người lạc giữa khu rừng có trăm ngàn ngả mà không biết những ngả đó sẽ dẫn đi đâu.
Bây giờ Hiên mới vỡ ra, nhớ lại những dư luận vây quanh Sĩ mà có lúc Hiên không để ý, coi như chuyện bình thường. Thật ra thì không bình thường chút nào. Có nhiều lần Hiên nghe Hoàng, Miên, Trọng, nói về Sĩ khi không có mặt anh. Họ cũng đồng ý anh đấu tranh với ông Thuần có nhiều mặt đúng. Chẳng hạn như đòi ông phải quan tâm hơn nữa đến đội kỹ thuật. Nhà cửa phải khang trang hơn, mở rộng biên chế, phòng thí nghiệm phải phong phú hơn để anh em thoải mái trong việc nghiên cứu. Nhưng cách đấu tranh của anh không khéo, không biết tranh thủ ông Thuần, thậm chí còn tỏ ra kiêu ngạo, phản kháng ông. Còn vấn đề Sĩ nêu ra nên cải tiến lề lối làm việc cho có hiệu quả hơn thì Hoàng nói xa nói gần Sĩ có ý đồ muốn chơi trội, giành lấy chức đội trưởng của anh. Dĩ nhiên những điều ấy đã đến tai ông Thuần. Ông càng hằn học hơn với anh. Rốt cuộc sự đấu tranh của Sĩ dẫn anh vào ngõ cụt. Ông Thuần sẽ không thực hiện gì.
Vậy mà có, ông Thuần có thực hiện, dù chỉ ở mức độ rất nhỏ so với đề nghị của Sĩ nhưng tinh vi lắm. Tinh vi đến mức những người trong cuộc cũng khó nhận ra. Kể cả Minh, người có lúc phát biểu đồng tình với Sĩ cũng không hề biết.
Những lúc sau này, không thể im lặng được nữa Hiên đã công khai ủng hộ Sĩ về những đề án khoa học của anh mà cô cho là thiết thực. Bởi vì Hiên có đủ thời gian để nghe, thấy và nhận định. Và Hiên biết việc phát động rần rộ các hợp tác xã trồng đậu nành xuất khẩu gần đây chẳng qua là ông Thuần thực hiện theo sáng kiến của Sĩ cách nay bốn năm. Sĩ cho rằng để chống thế độc canh cây lúa đồng thời phục hồi lại chất màu trong đất nên trồng một vụ đậu nành trên những mảnh ruộng cấy được ba vụ. Điều quan trọng là nó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Lúc ấy ông Thuần đã kiên quyết bác bỏ, cho anh là kẻ học đòi theo sách vở chứ không dựa vào tình hình thực tế của địa phương. Bẵng đi mấy năm, khi mà không ai còn buồn nhớ thì chính ông Thuần lại chủ trương phát động. Sau đó dư luận sẽ ca ngợi ông là một giám đốc cừ khôi, nhạy bén, biết chớp lấy thời cơ. Và dưới mắt họ, Sĩ vẫn là anh chàng trái tính trái nết, một anh chàng luôn tìm dịp để “quậy” lãnh đạo.
* *
*
Có lẽ thấy Hiên về phòng khoá trái cửa lại thật lâu, sợ đi nắng bị cảm nên Sĩ đã gọi cô. Anh pha một bình trà thật đậm, đặt trước mặt cô mấy viên thuốc:
- Em uống đi. Trà nóng cũng là một phương thuốc trị cảm cúm.
Hiên mỉm cười:
- Em có bệnh hoạn gì đâu mà uống thuốc.
Sĩ thoáng vẻ ngạc nhiên. Anh im lặng một lúc lâu rồi nhìn Hiên với đôi mắt dò hỏi. Không. Hiên sẽ không nói với anh đâu, anh Sĩ. Nhìn gương mặt gầy tọp, đầy góc cạnh của Sĩ cô thấy chạnh lòng. Hiên biết cuộc sống gia đình Sĩ lúc sau này sa sút nhiều lắm. Một vợ ba con chỉ trông cậy vào nửa công vườn. Đồng lương của Sĩ vốn khiêm tốn vẫn phải san sẻ về nhà cũng không đỡ vớt phần nào sự lam lũ của vợ. Đã vậy trong công tác anh gặp lắm chuyện phiền hà. Hiên thấy mình không nên gây thêm cho anh mối lo nghĩ, bực tức nào nữa. Thầm mong cái dư luận không mấy tốt đẹp về quan hệ giữa Sĩ với Hiên sẽ không đến tai anh. Hiên đủ sức gánh chịu một mình. Hiên chỉ thương cho vợ anh. Một khi vợ Sĩ nghe được chị sẽ nghĩ sao về Hiên. Rồi chị sẽ hiểu. Hiên tin vợ Sĩ là người hiểu hơn ai hết về chồng mình. Nhớ lần gặp chị, nhân lúc vui miệng chị kể cho Hiên nghe câu chuyện về sự băn khoăn của những người quen biết đối với Sĩ. Nhân một bữa ba anh cùng ông già kháng chiến ngồi uống trà bàn về nhiều chuyện, nhiều người mà hai ông quen biết, đột nhiên ông bạn hỏi ba anh:
- Thằng Sĩ nó thường về không anh?
- Thỉnh thoảng nó cũng về.
- Tôi nghe nói đâu lương hướng của nó tới năm nay mà còn thấp lắm. Trong số bạn bè cùng lứa chỉ có nó là tệ nhứt. Đâu anh rà lại coi nó có bị vấn đề gì không? Chứ có lý nào như vậy. Tôi nghi là nó có vướng vô mấy cái vụ tham ô, móc ngoặc gì đó rồi bị kỷ luật quá!
Thoạt nghe Hiên thảng thốt nhưng vợ Sĩ thì thản nhiên. Kể xong chị cười vô tư như vừa kể chuyện vui của ai đó chứ không phải của chồng mình. Và cũng thật lạ, chị cũng không hề hỏi Hiên nó có thật đến mức độ nào.
Chuyện ấy Sĩ không hề kể Hiên nghe nhưng cô hiểu đó là nỗi đau âm ỉ ở lòng anh.
- Em hiểu sao về cái dư luận ấy? - Sĩ hỏi đột ngột sau nụ cười châm biếm.
Hiên giật mình:
- Dư luận nào?
- Cái dư luận mà ông Thuần vừa nói với Hiên.
Hiên hoang mang thật sự:
- Sao anh biết?
Sĩ cười thật lớn đến đỏ cả mặt:
- Xem mặt bắt hình dong. Bộ em tưởng nó kín đáo lắm sao? Dư luận mà!
Hiên bưng ly trà đặc quánh hớp một ngụm để giấu bớt vẻ lúng túng. Cô nghe cổ mình đắng nghét. Im lặng có đến mấy phút. Sĩ hỏi giọng đã bớt giễu cợt:
- Hiên có muốn dìm dư luận đó xuống không? Cũng chưa đến mức ầm ĩ đâu!
- Cách nào? Em phải đi thanh minh với từng người à?
- Cần gì. Trong những lần anh “choảng” với ông Thuần hay với Hoàng sắp tới, Hiên chỉ việc im lặng.
“Cũng như Minh sao?”. Người Hiên bỗng toát mồ hôi. Hiên cảm thấy tự ái trong ánh mắt thoáng vẻ châm biếm của Sĩ nhưng cô cũng kịp nhận ra cái bẫy của ông Thuần.
“Sống trung thực khó lắm cô bé ơi!”.
Câu nói của Sĩ lại đến với Hiên. Nó vừa là một triết lý của cuộc sống được đúc kết từ cuộc đời anh, vừa là điềm báo trước đối với Hiên để cô tự chọn lấy một cách sống. Bây giờ Hiên thấy không còn tự ái bởi giọng nói giễu cợt thoáng vẻ châm biếm của Sĩ. Có lẽ cách nói ấy chỉ có ở những con người dày dạn, chịu đựng nhiều nỗi đau đến mức chai lì.
Sĩ đã nói đúng.
Thái độ im lặng lúc này sẽ có lợi cho Hiên biết bao nhiêu. Im lặng là cách ứng xử tế nhị nhất đối với dư luận về Hiên. Nó sẽ không còn lý do gì để bùng nổ hơn nữa. Cũng đâu phải là Hiên quay lưng lại với Sĩ. Im lặng là cách tuyên bố Hiên không đứng về một bên nào vì thấy ai cũng có mặt đúng, mặt sai. Tôi không thoả hiệp với anh cũng không hẳn là tôi chống lại anh!... Mọi sự rồi ổn thoả. Với ông Thuần thì tình cảm của ông đối với Hiên vẫn tràn đầy.
Chỉ nghĩ vậy thôi mà Hiên thấy ghê tởm với chính mình. Mày cũng hèn nhát, tầm thường như bao kẻ mà mày đã lên án thôi, Hiên ơi. Vì cái gì? Địa vị? Con đường tiến thân mà ông Thuần đã trải sẵn trước mắt hay chỉ là sự yên thân. Nhưng dù thế nào đi nữa thì mày cũng là kẻ đã đánh mất chính mày. Mày nghĩ rằng im lặng sẽ ổn thoả sao? Không, nó sẽ không bao giờ ổn thoả với chính lương tâm mày. Bởi vì khoa học có thể đúng hoặc sai, và tất yếu nó sẽ đi đến sự loại trừ.
- Ái cha cha… chậc, đường với sá!
Ông thuần khẽ xuýt xoa khi chiếc xe du lịch nặng nhọc trườn qua những ổ gà. Cú xóc quá nặng làm Hiên bứt khỏi dòng suy nghĩ. Cô nhìn về phía hai bên ruộng lúa xanh rờn mới hay xe đã vào gần hợp tác xã nông nghiệp Bảo Tân. Ông Thuần đưa tay chỉ khu vườn nằm trong mí đồng phía trái:
- Hồi chưa chuyển lên rừng miền Đông, có lúc chú và ba cháu bị tụi nó “quần” ở đây suýt chết. Ừ mà hồi đó hai anh em “ăn rơ” lắm nghe! Ba cháu với chú thường giống nhau ở cách nhận định tình hình cũng như phương án tác chiến. Có lẽ thân nhau một phần là vì vậy!
Rồi ông quay lại Hiên cười đôn hậu:
- Nghĩ cũng lạ, hồi đó có ai ngờ sau này mình sẽ cùng con người bạn ấy “chiến đấu” chung trên một mặt trận hoàn toàn khác lạ này. Nông nghiệp cũng là một mặt trận chứ sao?
Hiên mỉm cười, cô muốn nói với ông Thuần: “Đồng ý cháu với chú cùng chiến đấu chung trên một mặt trận. Nhưng chưa hẳn trong phương án tác chiến hôm nay cháu sẽ tuân thủ tuyệt đối như người lính trong chiến tranh đâu. Và con đường mà cháu đi sẽ đầy những ổ gà, gai góc nhưng cháu tự tin ở bước chân mình”.
Xe phải dừng lại đầu xóm vì không thể qua được những cây cầu khỉ chông chênh. Còn một quãng nữa mới tới văn phòng Ban quản trị hợp tác xã Bảo Tân, hợp tác xã khá nhất tỉnh vừa được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Ba. Và hôm nay là ngày lễ đón nhận.
Ông Thuần vừa đi vừa ngắm những vạt ruộng bên đường. Cái dáng đi còn quá nhanh nhẹn của ông làm Hiên thầm thán phục. Thỉnh thoảng ông đứng lại nhìn đến say mê và xuýt xoa khen ngợi trước một khoảng ruộng ông cho là lý tưởng. Nhưng với cặp mắt “nhà nghề” của Hiên thì trong số những khu ruộng ấy một ít có “vấn đề”. Vì không muốn ông mất vui nên Hiên chưa tiện nói. Đột ngột, ông Thuần hỏi Hiên:
- Cháu thử đoán xem thửa này chừng trổ sẽ là bao nhiêu?
Ông Thuần đứng lại bên vạt ruộng lúa xanh rờn đang độ đứng cái.
Hiên ngồi xuống đưa bàn tay khẽ vạch bụi lúa như thể xác định một lần nữa sự phát hiện của mình:
- Nó sẽ thất trắng nếu không trị ngay từ lúc này chú à!
Ông Thuần sửng sốt:
- Hả?
- Vì nó bị một loại tuyến trùng ký sinh chích trên lá non ngay từ hồi còn nhỏ. Chú xem nè. Những dấu chấm trắng li ti chỉ như đầu mũi kim đâm này sẽ là nguyên nhân làm cho bụi lúa lúc ôm đòng lá xoắn lại, không trổ được.
- Sao nó vẫn phát triển bình thường?
Hiên cười:
- Thậm chí phát triển rất tốt nữa. Bởi vậy không thể ai cũng nhận thấy. Nguy hiểm là ở đó.
Mặt ông Thuần thoáng băn khoăn, hụt hẫng. Ông lẩm bẩm một cách mệt mỏi.
– Ờ… ờ, chỉ là những chấm nhỏ như đầu mũi kim…8.1987
Tác giả giữ bản quyền. Chọn từ tập truyện ngắn “Tên một loài cỏ” của Nguyên Tùng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét