Khi nói đến hai từ “quỹ đen”, người ta thường nghĩ ngay đến... quý ông, ý là đàn ông hay có quỹ đen, ngoài tầm kiểm soát của vợ để chi tiêu riêng. Nghĩ như vậy cũng hợp lẽ bởi xưa nay người ta vẫn cho rằng “ngân hàng vợ” chỉ có thu vào chứ không có chuyện chi ra.
Một người chia sẻ: “Đến bây giờ, đã gần bốn mươi năm qua rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in lần cãi nhau giữa ba mẹ tôi về chuyện đầu tư tiền bạc. Trong gia đình, ba tôi là người làm ra tiền, cả cuộc đời mẹ tôi chỉ có một nghề duy nhất là nội trợ. Tiền kiếm được, ba tôi đưa hết cho mẹ để chi dùng trong gia đình, ông chỉ giữ lại một ít chi tiêu riêng như mua thuốc lá, đổ xăng, ăn sáng, đãi bạn bè... Tánh mẹ tôi tiết kiệm, bà cân đối thu chi rất vén khéo nên hầu như thời ấu thơ chúng tôi luôn được đầy đủ trong chừng mực phù hợp với tình hình kinh tế gia đình. Một hôm, còn đang ngái ngủ, tôi nghe ba mẹ tranh cãi kịch liệt. Ba tôi muốn làm ăn với bạn bè bằng cách đóng cổ phần vào một ngân hàng để có được một chân trong hội đồng quản trị. Ba biết mẹ dành dụm được nhiều vàng, ông đòi mẹ bán vàng đưa tiền cho ông. Mẹ không đồng ý, nhưng chỉ có một lý lẽ duy nhất là... sợ mẻ tiền. Mẹ nghĩ, giữ vàng vẫn chắc ăn hơn.
Sau ngày đất nước thống nhất, các ngân hàng bị đóng cửa. Cổ phần của ba tôi trong ngân hàng bị đóng băng (sau này có lấy lại được một ít, nhưng không đáng kể). Ba tôi thất nghiệp, từ một người năng động, quen chỉ huy người khác, ông trở nên... ù lì. Mẹ tôi thay ba gánh vác gia đình. Bà mở một quán bán hàng tạp hóa ở nhà, giao ông nhiệm vụ coi hàng mỗi khi bà đi chợ hay đi lấy hàng. Gian hàng nhỏ xíu nhưng cũng nuôi được ba anh em chúng tôi học đại học ở Sài Gòn thời bao cấp.
Anh trai tôi ra trường, có công việc làm ở thành phố, rồi lập gia đình. Thấy vợ chồng anh sống trong căn phòng chật hẹp ở khu tập thể, mẹ bàn với ba mua cho anh căn nhà. Tôi vẫn còn nhớ nét mặt căng thẳng của ba: “Tiền đâu mà mua?”. Lúc ấy mẹ tôi mới nói: “Em có tiền”. Thì ra, qua bao sóng gió, mẹ tôi vẫn còn giữ được một ít vàng. Mua nhà cho anh tôi xong, mẹ còn cho tôi một ít để ra riêng. Sau này, mỗi khi nhớ lại những ngày đã qua, ba tôi thường nhắc: “May mà hồi đó mẹ mày biết lo xa”.
Kinh nghiệm của một phụ nữ khác: “Trong gia đình, hầu như mọi chi tiêu đều do tôi cáng đáng. Chồng tôi làm nghề tự do. Công bằng mà nói, thỉnh thoảng anh cũng kiếm được những khoản tiền khá lớn và dùng tiền đó để sửa nhà, sắm xe, sắm tiện nghi trong gia đình... Quãng đời cực nhất của tôi là thời gian xí nghiệp giải thể. Thất nghiệp, tôi mở hàng bánh canh trước nhà. Cực nhọc không phải do thức khuya dậy sớm mà là vì thái độ của anh. Anh cho rằng tôi chỉ biết làm chuyện vặt, kiếm bạc lẻ; không những thế, anh còn đá thúng đụng nia mỗi khi không hài lòng điều gì, thỉnh thoảng còn mắng tôi buôn bán vặt vãnh làm ôi mặt anh! Thế nhưng, không buôn bán thì làm gì? Ít ra, mỗi ngày tôi cũng kiếm được tiền chợ cho bốn miệng ăn.
Gia đình cứ thế lục đục hoài, bi kịch nhất là khi tôi biết tin anh có bồ. Việc gì phải đến đã đến, chúng tôi chia tay. Phân chia tài sản, anh lấy cái nhà, thối lại cho tôi gọi là một nửa (với giá nhà rẻ mạt). Tôi ra đi cùng hai con (tòa phân chia mỗi người nuôi một đứa, nhưng không đứa nào chịu theo bố). Ngậm ngùi cầm số tiền ít ỏi chồng đưa, tôi vay mượn thêm anh chị em, mua một căn nhà nhỏ chỉ bằng 1/3 căn nhà cũ, rồi lầm lũi nuôi hai con học xong đại học bằng hàng bánh canh.
Giờ đây, tôi cũng đã thảnh thơi. Nhớ lại những ngày đã qua, tôi thấy do mình không biết để dành, làm ra bao nhiêu đều chi phí hết cho gia đình. Kinh nghiệm của tôi là phụ nữ phải dành một khoản tiền riêng, không có tiền mình nhút nhát lắm, chẳng dám quyết gì hết, có tiền mới tự tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét