(GHI THEO LỜI KỂ CỦA NHÀ THƠ LÊ HÀ)
"Cha ngã xuống buổi chiều Yên Bái
Hơi ông tàn trên một nẻo Cần Vương
Mùa thu sang... con cháu lên đường"
Đó là những câu thơ đầu tiên của tôi khi tham gia vào Đoàn Văn hóa kháng chiến ở tỉnh Bến Tre.
Nó cũng đánh dấu sự chuyển hướng của thơ tôi, từ thơ tình yêu sang trữ tình cách mạng. Nói thì nghe nhẹ nhàng vậy chứ lúc ấy thật không dễ dàng gì đối với anh chàng làm thơ trẻ mang tên Lê Nguyên là tôi, mới 23 tuổi, dù tâm trạng hăm hở đến với cách mạng. Sinh ra ở Tuy Hòa, học sư phạm ở Sài Gòn ra trường về dạy ở Giang Thành - Hà Tiên năm 1943 rồi tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (8-1945) tại Thị xã Hà Tiên. Đến năm 1947 khu IX có tổ chức một đoàn thanh niên trong đó có tôi về học trường Lục quân ở Quảng Ngãi do đồng chí Vũ Đức - Tư lệnh Quân khu IX dẫn đầu. Đoàn đi đến Bến Tre thì gặp ông Trương Văn Giàu - Khu bộ phó Khu VIII. Ông Giàu thấy đoàn đi ba bốn chục người nặng nề quá mà đường thì xa, phương tiện khó khăn nên bàn với Tư lệnh Khu IX nên để anh em ở lại tham gia vào Ban Tuyên huấn tỉnh Bến Tre. Vậy là chúng tôi được ở lại tại trường Đảng, đóng tại Cồn Ốc (nay là xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm). Chỉ còn bốn người đi Quảng Ngãi. Hiệu trưởng trường Đảng lúc ấy là ông Trần Trường Sinh - người hiệu trưởng trường Đảng đầu tiên ở Bến Tre mà sau này Tỉnh ủy đã quyết định lấy tên ông đặt cho tên trường.
Từ năm 1947, trong Ban Tuyên huấn tỉnh, ngoài trường Đảng ra còn có tổ chức Đoàn Văn hóa kháng chiến mới được thành lập do anh Lê Hoài Đôn - giảng viên trường Cán bộ Việt Minh làm Thơ ký. Vì tôi biết làm thơ nên được các anh kết nạp là thành viên của Đoàn. Rồi một đêm tôi đem đến anh Đôn bài thơ cách mạng đầu tiên của mình nhờ anh đọc góp ý. Anh rất hài lòng, cứ tấm tắc khen. Riêng tôi sung sướng khó tả vì sau bao ngày loay hoay, trăn trở chuyển hướng tôi đã thành công. Bài thơ sau đó được in trên tạp san Tháng Tám, rất tiếc tôi không còn lưu giữ được, nay chỉ còn nhớ mấy câu vừa nêu ở phần đầu bài này.
Năm 1948, khoảng giữa năm, Đoàn Văn hóa kháng chiến có mở lớp tập huấn về lý luận văn hóa văn nghệ rồi tiến hành Đại hội lần thứ I trong vườn mía nhà ông Hai Tiến ở Bình Khánh (Mỏ Cày). Đại biểu các huyện đều có về dự, khoảng bốn năm chục người. Trong số này lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật có ít, phần đông là làm công tác tuyên truyền. Sáng tác văn thơ có anh Lê Hoài Đôn, anh Hằng Ngôn (tức bác sĩ, nhà văn Trần Hữu Nghiệp), anh Võ Trọng Cảnh (tức nhà văn Trang Thế Hy), anh Huy Khanh (tức anh Nguyễn Văn Châu - nguyên Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Bến Tre), anh Nguyễn Tân Tấn bên quân đội (lúc ấy anh Tấn là Phó ban chính trị Trung đoàn 99), Lê Tế Sanh, Lê Trí và tôi. Nhạc có các anh Tri Trọng, Lữ Sinh, Khổng Tuyết Sơn, Nguyễn Thu... Riêng anh Nguyễn Thu (tức soạn giả Thu An sau này), vừa sáng tác nhạc vừa làm thơ. Họa có anh Chi Lăng, dịch có anh Phong Đảo. Anh Phong Đảo rất giỏi tiếng Hoa. Ở hội nghị này anh trình bày khái quát về các trào lưu văn học nghệ thuật thế giới và đi sâu phân tích, giảng giải về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa theo một tài liệu bằng chữ Hán được dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Anh Phong Đảo tên thật là Phạm Huy Đạt, quê ở cù lao Hưng Phong (Cồn Ốc). Bút danh Phong Đảo xuất phát từ địa danh này.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đoàn Văn hóa kháng chiến. Anh Lê Hoài Đôn được bầu làm Thơ ký, anh Phong Đảo - Phó thơ ký; Ủy viên Ban Chấp hành có Võ Trọng Cảnh, Tri Trọng, Chi Lăng, Nguyễn Tân Tấn và tôi.
Anh Lê Hoài Đôn năm ấy (1948) mới 24 tuổi, bằng tuổi với anh Võ Trọng Cảnh và tôi, nhưng là một “cây lý luận Mác xít” sắc sảo. Là học sinh trường Trung học Pétrus Ký Sài Gòn, học xong tú tài anh về quê Phước Long - Giồng Trôm tham gia kháng chiến. Với cương vị là Thơ ký Đoàn Văn hóa kháng chiến, anh sáng tác ít mà dành nhiều thời gian đọc, góp ý, sửa chữa tác phẩm của anh em. Kiến thức rộng, am hiểu sâu sắc về văn học nghệ thuật và sống chan hòa, thân thiết, hết lòng giúp đỡ mọi người nên anh được anh em kính nể.
Những năm đầu kháng chiến này dù đời sống vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng hầu như không ai nghĩ đến nó mà tất cả đều hăng hái, hào hứng. Không khí sáng tác sôi nổi, nhiều tác phẩm hay ra đời, mang dấu ấn một thời mà đến nay nhiều người còn nhớ. Như trường hợp bài hát “Chiến tử ca” của Nguyễn Thu. Bài hát ca ngợi sự hy sinh anh dũng của anh Phan Văn Phải - một cán bộ của ông Đồng Văn Cống trong trận đánh đồn Cầu Móng (Hương Mỹ, Mỏ Cày). Đây là đồn giặc án ngữ trục lộ tỉnh, cắt đứt đường giao thông, liên lạc của ta với địa bàn huyện Thạnh Phú. Đồn phòng thủ rất kiên cố đặc biệt là có một bức tường thành bằng lúa vây bọc chung quanh. Chúng vơ vét lúa của dân, tập trung về lớp vô bao, lớp đổ xá, tạo thành một bức tường thành bảo vệ và cắt đặt lính canh cẩn mật. Muốn điều nghiên lên phương án đánh cũng khó vì không có vị trí tiếp cận. Sau ta biết Hội đồng Nhơn nhà ở cách đồn một con lộ lớn, có người con trai theo ta, trong Đoàn Văn hóa kháng chiến. Vậy là từ đó kế hoạch đánh được vạch ra. Anh Phan Văn Phải chỉ huy trận đánh, phá được đồn. Sau trận đánh bức tường thành bằng lúa cháy âm ỉ hàng mấy tháng trời. Trong trận này anh Phải hy sinh.
Bài “Chiến tử ca” ngay khi ra đời đã nổi tiếng, nhanh chóng đi vào lòng người. Hễ có ai bắt nhịp: “Ở nơi đây súng thép rền vang...” thì hầu như mọi người cùng hát theo.
Anh Nguyễn Thu ngoài sáng tác nhạc, còn làm thơ nữa. Cũng trong năm 1948, bài thơ Quân - dân của anh đăng trên Tạp chí Văn hóa Phổ thông được nhiều người yêu thích. Đặc biệt đây là bài thơ bình thanh - toàn bài không có vần trắc.
"Chiều nay mưa lai rai
Xa xa đoàn quân về
Trên đồng xanh vung tay
Loay hoay cùng đôi bò
Quân đi theo cờ bay
Âm thầm mà nghiêm trang
Anh đi sau tay cày
Lưng trần mà hiên ngang
Quân đi gìn non sông
Anh lo trồng cơm vàng
Trên trang đời ghi công:
“Quân - dân đều anh hùng”.
Sau này vì bệnh, sức khỏe sa sút anh xin chuyển ra thành. Ở Sài Gòn anh quen nhiều trong giới sân khấu, cưới nghệ sĩ Ngọc Hương làm vợ và chuyển hẳn sang sáng tác kịch bản cải lương, ký bút danh là Thu An.
Anh Võ Trọng Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách mảng văn học thì lại mặn về đề tài binh vận. Lúc ấy anh sáng tác thơ nhiều hơn văn nhưng có một bài tùy bút rất hay nói về tâm trạng của một anh lính canh đồn giặc bên kia sông trong một đêm gió lạnh. Bài tùy bút nhan đề “Chừng nào anh qua sông” với câu kết dễ gây ấn tượng trong lòng người đọc: “Người bạn bên kia sông ơi, chừng nào anh qua sông?”. Sau đó không lâu cũng trên Tạp chí Văn hóa phổ thông Võ Trọng Cảnh có bài thơ “Phải chi em có cánh”. Cũng về đề tài binh vận, nhưng đây là lời của người vợ nhắn nhủ với chồng. Có những câu đến nay tôi còn nhớ:
"Gió lọt lều thưa đèn lụn bấc
Trăng khuya vằng vặc trải bao la
Anh ơi anh ở phương nào nhỉ
Cách vợ hiền anh mấy dặm xa
Có biết đêm nay trời nổi gió
Con thơ run lạnh khóc đòi cha
Chạnh lòng em ứa hai dòng lệ
Nhớ buổi chia ly dưới mái nhà..."
Bài thơ còn dài, diễn biến theo tâm trạng người vợ khuyên chồng quay về với dân với nước, và người vợ ước mình có “cánh” để đến bên anh với niềm tin tưởng: “Mai sau chung hát khải hoàn ca”.
Tôi với anh Cảnh có nhiều kỷ niệm vui. Vì cùng tuổi và cùng được phân công hoạt động tuyên truyền ở cánh Chợ Lách, chúng tôi thường đi chung nhau xuống Hưng Khánh Trung, Ba Vát, Sơn Định, Phú Phụng để tuyên truyền về “hũ gạo nuôi quân” hoặc nói về tình đoàn kết quân dân... Cũng có khi cùng đi xuống rừng An Qui (Thạnh Phú), nơi nhà in đóng để chăm sóc cho tờ Văn hóa phổ thông. Đường sá rộng thênh thuộc vùng kiểm soát của ta nên chúng tôi cứ nhởn nhơ đi, đi bộ thôi chứ không có phương tiện gì khác. Mỗi người mang một cái ba lô. Chúng tôi cắm vào ba lô mỗi đứa một khúc cây khoảng nửa thước rồi dùng dây nối hai đầu cây thành một đoạn dài chừng hai, ba thước. Vậy là có một sào đồ di động, trên đó cứ thoải mái phơi quần áo mới giặt. Vừa đi vừa nói chuyện, khi thì bàn về văn chương, khi nói về một cô nàng nào đó, hoặc đủ chuyện trên trời dưới đất để quên đường xa, và quần áo khô dần bay phất phơ, phất phơ trông thật vui mắt.
Đi kháng chiến với lòng hăng say, hăm hở nhưng tâm hồn tôi lúc ấy còn lãng mạn lắm. Nhớ hồi ở Phước Long tôi có yêu cô nàng tên L., rồi làm thơ:
"Chưa bao giờ được thấy dáng em đi
Nhưng chân em có một lần đã dẫm
Lên hồn tôi những bước chân đằm thắm
Gót thon thon không tan xóa bao giờ."
Thơ tình như vậy chứ khi viết về đề tài cách mạng thì cũng hừng hực lửa. Như khi đọc được bản tin chiến thắng La Ngà trên báo Quân khu VII, tôi đã viết:
"Ngày mùng Một tháng Ba
Đại thắng ở La Ngà
Rừng say trong lửa đỏ
Lửa réo theo lời ca..."
Bài này được Tri Trọng phổ nhạc, gửi về Viện Văn hóa kháng chiến Nam bộ, chỗ ông Hoàng Xuân Nhị, sau được anh Trương Bỉnh Tòng hát. Tri Trọng còn nổi tiếng với bản Séranade Bàu Gốc (khúc ca buổi chiều Bàu Gốc). Bản nhạc được thể hiện với anh Chiếu đờn ghi-ta, Tri Trọng kéo violon, anh Tuấn thổi Armonica.
Cũng bên cánh nhạc có anh Lữ Sinh sáng tác bài “Tự do cơm áo hòa bình” rất hay, được Đài Tiếng nói Việt Nam phát đến mãi sau này:
"Làm sao khắp chúng dân đều tự do
Làm sao khắp chúng dân đều cơm áo
Làm sao khắp thiên hạ hưởng hòa bình
Bao nhiêu năm đói rét và lầm than
...
Đứng lên đều phá gông cùm giam đời sống..."
Nói chung không khí sáng tác kể từ sau Đại hội lần thứ I sang năm 1949 khá sôi nổi, hào hứng và có những thành tựu. Đặc biệt năm 1949 có những sự kiện đáng nhớ. Đó là việc cuốn “Hồ Chủ tịch trong lòng dân tộc” của Hằng Ngôn tức bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vừa xuất bản đã gây được tiếng vang khiến mọi người tìm, chuyền nhau đọc. Thứ hai là cuốn truyện vừa “Con đường sáng” của Lê Tâm - một nữ tác giả còn rất trẻ, em gái của anh Lê Hoài Đôn. Truyện được in trên Tạp chí Văn hóa phổ thông bằng cách nhập hai số làm một. Tiếc là đến nay không ai còn lưu giữ được quyển nào, kể cả tác giả. Năm 1998, tức là sau gần nửa thế kỷ, tác giả đã cố gắng hồi nhớ viết lại, có bổ sung để thành truyện dài lấy tên “Làng nhỏ bên bờ Hàm Luông” và được Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre xuất bản vào cuối năm 1999.
Sự kiện thứ ba là tập ký sự “Trường Hận” của Lang Sĩ (tức Nguyễn Duy Oanh) được Viện Văn hóa kháng chiến Nam bộ tặng giải Khuyến khích cuộc thi văn học. Ở cuộc thi này ông Truy Phong - thi sĩ trong Đoàn Văn hóa kháng chiến tỉnh Vĩnh Long được giải thưởng Tầm Vu (giải Nhì, không có giải Nhất - Giải La Ngà) với tập bài hát đối đáp “Lòng Quê” và một số ca dao trong tập “Tiếng Dân ca”; Nhà thơ Nguyễn Bính được giải thưởng Giồng Dứa (giải Ba) với một số tác phẩm trong tập “Sóng biển cỏ” và một số bài trong tập “Ca dao Vệ quốc” mà tác giả đã ký với bút danh Kiều Mộc. Có hai giải Khuyến khích, một thuộc về ông H.M.T, chiến sĩ Trung đoàn 310 (Biên Hòa) với tập truyện dài “Khói lửa La Ngà”, và một thuộc về tập ký sự Trường Hận của Nguyễn Duy Oanh.
Trường Hận viết về cuộc thảm sát trên 200 người dân ở Cầu Hòa (nay thuộc xã Phong Nẫm huyện Giồng Trôm) vào ngày 10-1-1947 của quân đội Pháp do tên Tây lai Léon Leroy - thiếu úy Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng An Hóa cầm đầu.
Ông Oanh (lúc ấy thường viết là Hoanh) không phải là hội viên của Đoàn Văn hóa kháng chiến tỉnh nhưng ông thường xuyên liên lạc với Đoàn; xem như cộng tác viên theo cách gọi bây giờ. Ông viết tập ký sự này gửi về Viện Văn hóa kháng chiến Nam bộ dự thi nhân mùa Thi đua ái quốc.
Lúc ấy ở tỉnh ta, nhất là các xã giải phóng ở Mỏ Cày như An Định, Bình Khánh, An Thới, Thành Thới... được căng, dán đầy băng rôn, áp phích do họa sĩ Chi Lăng vẽ cổ động rầm rộ cho phong trào Thi đua ái quốc. Băng rôn kẻ rất đẹp câu khẩu hiệu: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua. Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Còn áp phích thì vẽ nhiều tranh cổ động, thường hay có gương mặt cô gái. Có điều lạ là dù vẽ nhiều chủ đề khác nhau, mặt các cô được họa sĩ vẽ ở nhiều góc độ khác nhau và dù là nông dân, công nhân hay trí thức thì cũng chỉ là gương mặt của một người. Anh em trong Đoàn Văn hóa kháng chiến không ai không nhận ra đó là gương mặt của cô K.C ở Tân Thành Bình. K.C và N.D là hai chị em ruột đẹp nổi tiếng đã làm rung động biết bao trái tim văn nghệ sĩ trong Đoàn. Xem ra K.C được chiếm ngôi “hoa khôi” nếu xét về mặt biểu lộ sự rung động ở các anh chàng. Như Minh Đạo (sau tập kết ra Bắc là phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam), như Hằng Ngôn, như Chi Lăng... Hằng Ngôn còn làm thơ ca ngợi nữa, tôi còn nhớ có câu: “Tân Thành Bình là nơi hò hẹn của muôn tim”...
Bước sang năm 1950, Đoàn Văn hóa kháng chiến tổ chức Đại hội lần thứ II tại nhà ông Hương chánh Khải ở xã An Định (Mỏ Cày). Từ Đại hội này Đoàn đổi tên là Phân hội Văn nghệ Đồ Chiểu, và đây chính là tiền thân của Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre ngày nay.
Cũng trong năm này Tri Trọng, Chi Lăng, Mân Giang và tôi được cử đi học trường Lục quân. Về chuyện đi học chúng tôi có một kỷ niệm đáng nhớ.
Lúc ấy Đoàn có nhận được thông báo chiêu sinh của Trường Lục quân, trên cơ sở tự nguyện. Anh em chưa nghe ai có ý định đăng ký. Nhưng một hôm trên báo Quân Khu có in bài thơ “Những thanh gươm bén” của Kiều Mộc - một bút danh khác của nhà thơ Nguyễn Bính, ngay lúc đọc lần đầu tôi đã mê:
"Từ anh đi học trường Quân Chính
Tôi ở lều tranh trăng sáng soi
Trăng sáng soi ngời trang giấy trắng
Lung linh nét chữ mực còn tươi
Những mái đầu xanh bừng máu nóng
Có nghe căm hận thét nên lời
Tập trung mũi nhọn bêu đầu giặc
Gươm súng phần anh bút có tôi."
Bài thơ cứ ám ảnh, thôi thúc tôi. Vậy là tôi xung phong đăng ký. Không ngờ Tri Trọng, Chi Lăng rồi Mân Giang cũng đăng ký đi vì sức “réo gọi” của bài thơ. Hồi ấy ta chưa có từ “tiếp thị” hay “khuyến mãi” như bây giờ nhưng rõ ràng bài “Những thanh gươm bén” là bài thơ “tiếp thị” đầu tiên cho trường Lục quân đạt hiệu quả cao.
Còn anh Võ Trọng Cảnh được rút về Sở Thông tin Nam bộ (Cà Mau), rồi được Sở tăng cường cho Ty Thông tin Cần Thơ, làm Trưởng phòng Thông tin huyện Long Mỹ (Cần Thơ) cho đến năm 1954. Riêng anh Lê Hoài Đôn - Thơ ký Phân hội - sau Đại hội ít lâu được đề bạt vào Thường vụ Tỉnh ủy rồi hy sinh ở cánh đồng An Qui thuộc xã Đa Phước Hội (Mỏ Cày) cuối năm 1950.
Gần 60 năm rồi kể từ những ngày đầu của Đoàn Văn hóa kháng chiến, lớp anh em chúng tôi hồi ấy đến nay số người còn ít hơn số người mất rất nhiều. Qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, qua quãng thời gian dài bằng cả đời người và qua bao thăng trầm trong cuộc sống hẳn những điều còn nhớ là ít, rất ít, song những gì còn lại là những gì đẹp nhất, ấn tượng nhất trong mỗi con người. Với tôi, những mẩu chuyện nhỏ và có phần tản mạn vừa kể trên là những dấu ấn khắc sâu về quãng thời gian sống, hoạt động trong Đoàn Văn hóa kháng chiến Bến Tre. Nó luôn đọng lại trong tôi cảm giác một thời sôi nổi, trẻ trung và rất hồn nhiên. Để bây giờ tôi luôn tự nhủ lòng:
"Còn duyên còn nợ còn tình
Còn ngâm còn hát giọng mình thơ ta
Còn sống còn yêu còn sáng tạo
Cho hương đời hòa hợp với hương hoa".
4.2005
Tác giả giữ bản quyền. |
N.T (Bến Tre)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét